(ĐSPL) – Theo nhiều chuyên gia về kiểm soát không lưu, việc máy bay Boeing 777 – 200 mang số hiệu MH 370 bị mất tích thể hiện rất nhiều điều bất thường.
Tối ngày 8/3, trao đổi với phóng viên Đời sống và Pháp luật Online tại TP.HCM, các chuyên gia về kiểm soát không lưu bay về hàng không cho biết, qua nắm thông tin từ báo chí và Internet, việc máy bay Boeing 777 – 200 mang số hiệu MH 370 của Malaysia Airlines mất tích đã thể hiện nhiều điều bất thường.
Đại diện Đài kiểm soát không lưu – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, theo quy định quốc tế, trước khi bước vào không phận của nước nào, cơ trưởng chuyến bay phải có báo cáo về Đài kiểm soát không lưu của nước đó các thông tin chi tiết về chuyến bay như số hiệu, chủng loại máy bay, số hành khách, tên cơ trưởng, lịch trình bay, độ cao thực hiện bay.
Việc báo cáo này phải được thực hiện 10 phút trước khi máy bay bước vào không phận của nước đó.
Theo những thông tin Malaysia Airlines đã công bố, máy bay bị mất tích là Boeing 777 – 200. Các tài liệu về kỹ thuật hàng không cho biết, Boeing 777 – 200 là loại máy bay với nhiều thiết bị hiện đại, tối tân và có tính kinh tế cao.
Boeing 777 - 200 của Malaysia Airlines trước khi bay qua không phận TP.HCM hoàn toàn không thông báo cho kiểm soát viên không lưu đúng theo quy định quốc tế - (Ảnh minh họa) |
Trước khi bị mất tích, máy bay này đang ở vùng thông báo bay của Singapore, cách vùng thông báo bay TP.HCM do Việt Nam quản lý khoảng 180 km về phía Tây Nam.
Tốc độ trung bình của Boeing 777 – 200 vào khoảng 980 km/h, có nghĩa là 10 phút máy bay đi được khoảng 180km. Thế nhưng, trên thực tế, máy bay đang chuẩn bị bay vào vùng thông báo bay của TP.HCM, nhưng các kiểm soát viên không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn không nhận được bất cứ thông tin nào về chuyến bay này. Đó là điều bất thường, trái với những quy định quốc tế trong lĩnh vực hàng không.
Điều bất thường thứ hai, theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh – một cơ trưởng Boeing 777 – 200 của Vietnam Airlines, việc MH 370 bị mất tín hiệu đột ngột là điều khó hiểu.
Boeing 777 – 200 có hai động cơ và một động cơ dự phòng. Trong trường hợp một động cơ đột ngột bị hỏng, thì vẫn còn một động cơ còn lại để hạ cánh. Giả thiết cả hai động cơ đều bị hỏng cùng lúc, thì động cơ dự phòng sẽ được tự động kích hoạt để máy bay tiếp tục bay. Việc hư hỏng đột ngột động cơ gần như chắc chắn không thể xảy ra.
Hệ thống liên lạc của Boeing 777 – 200 được trang bị cực kì tối tân, hiện đại, thời tiết khi máy bay bị mất tích tại cả Malaysia và phía Nam Việt Nam đều rất tốt, không có hiện tượng nguy hiểm, nên khả năng do thời tiết làm ảnh hưởng đến việc máy bay mất tín hiệu liên hệ với mặt đất cũng không thể xảy ra.
Chính vì vậy, cơ trưởng Nguyễn Hồng Lĩnh đã đưa ra giả thiết rằng rất có thể MH 370 đã bị khủng bố tấn công để phá hoại hoặc máy bay bị nổ.
Đồng quan điểm này, PGS TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm khoa kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng cho rằng: “Có thể đã xảy ra một nguyên nhân khủng khiếp nào đó”.
Bởi lẽ, PGS TS Nguyễn Thiện Tống nhận định: Boeing 777 – 200 được cho là một máy bay rất tốt, đạt độ an toàn rất cao trong lịch sử ngành hàng không thế giới.
Cũng giống như vậy, các chuyên gia hàng đầu về hàng không của nhiều nước trên thế giới cũng đã đánh giá “rất hiếm khi xảy ra trường hợp máy bay gặp trục trặc, nhưng lại không có bất kì một thông tin nào liên hệ được”.
Được biết, cho tới nay đã có đến hơn 1.000 chiếc Boeing 777 được sản xuất. Lịch sử hàng không thế giới đến giờ chỉ ghi nhận có khoảng 60 vụ việc trục trặc của Boeing 777 được ghi nhận, trong đó hầu hết đều là các trục trặc rất nhỏ.
Phương Linh