Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang vận động, kêu gọi các đối tượng liên quan trong vụ hơn 40 thanh niên vác hung khí hỗn chiến trên phố ra đầu thú.
Theo báo Người Đưa Tin, liên quan đến vụ chém nhau trước nhà hàng Đ.Q., đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa vào đêm 11/2, Công an TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vận động, kêu gọi các đối tượng ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Thời gian qua, sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP.Biên Hòa đã ra lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng để phục vụ công tác điều tra gồm Phan Văn Phúc (28 tuổi); Trần Chí Thanh (18 tuổi); Nguyễn Đại Ngọc Hải (20 tuổi), cả 3 cùng ngụ tại TP.Biên Hòa; Dương Vũ Tuấn Thanh (21 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) và Nguyễn Chí Hiệp (17 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau).
Một số đối tượng bị bắt - Ảnh: báo Người Đưa Tin |
Đến nay, Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích, đồng thời khởi tố bị can ra lệnh tạm giam đối với 6 đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án. Lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cũng cho biết đang tập trung lực lượng ráo riết khẩn trương tiến hành xác minh truy bắt các đối tượng còn lại hiện đang bỏ trốn.
Như báo VnExpress đã đưa tin trước đó, do mâu thuẫn từ trước, tối 11/2, Hoàng Cao Khải (26 tuổi) gọi điện hẹn Phạm Đức Thọ (33 tuổi) đến đường Võ Thị Sáu để giải quyết. Thọ huy động khoảng 20 người thuê ôtô mang theo hung khí đến điểm hẹn.
[mecloud] zOxk1HctZe[/mecloud]
Vừa đến cầu Đồng Tràm, nhóm Thọ bị hàng chục thanh niên phía đối thủ rượt chém. Chạy được đoạn ngắn, Thọ rút hung khí chống trả, chém nhau loạn xạ giữa đường.
10 phút sau, cảnh sát xuất hiện, hàng chục thanh niên vứt hung khí, chạy vào các hẻm trốn thoát. Hai thanh niên trong nhóm Thọ bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)