(ĐSPL) - Tiếp tục những diễn biến mới nhất vụ hầm chôn chất thải y tế trong bệnh viện Đa khoa Đà Bắc (Hòa Bình), theo thông tin điều tra của PV báo ĐS&PL, để ngụy tạo cho việc xử lý rác thải y tế nguy hại, Giám đốc BV này đã đưa ra bản hợp đồng với một công ty xử lý rác.
Tuy nhiên, PV không khỏi giật mình vì chính công ty này lại không có chức năng xử lý rác thải y tế nguy hại. Nhiều điểm “chết người” tiếp tục lộ rõ trong sự việc này.
Thông tin bất ngờ về công ty xử lý rác
Tạm chưa nói đến bản hợp đồng về vận chuyển xử lý rác thải y tế nguy hại giữa bệnh viện Đa khoa Đà Bắc với công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long (gọi tắt là công ty Hoàng Long), nhóm PV xác minh được thông tin động trời khác là công ty Hoàng Long đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu bãi rác đặt ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã tìm đến khu vực xử lý rác thải thuộc tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn (huyện Lương Sơn). Cách khu bãi rác hàng km mà vẫn ngộp thở bởi không khí nặng mùi xú uế, muỗi và ruồi nhặng bay từng đàn.
Người dân đang sinh sống tại đây cho biết, nước giếng đào của bà con giờ không ai dám sử dụng. Bởi nó bốc mùi hôi thối và đen ngòm sau mỗi trận mưa. Bà Nguyễn Thị Hoa, đang sinh sống tại thị trấn Lương Sơn chỉ dẫn: “Ở đây còn đỡ, chứ các chú vào trong xóm Mòng cách đây mấy cây, gần khu bãi rác còn kinh khủng hơn. Chúng tôi may mắn có chút nước máy sạch chứ trong đó người dân vẫn phải dùng nước thối đấy. Khổ lắm!”.
Tiếp tục theo chỉ dẫn, đi khoảng 30 phút, chúng tôi tới xóm Mòng và phải đi bộ dưới cái nắng chang chang. Đoạn đường dài dẫn vào xóm, mùi hôi thối không thể chịu nổi. Người dân nơi đây nói là xóm chết chóc không sai bởi ở đó những cánh đồng lúa chết héo, nước suối đen ngòm bốc mùi tanh hôi, gà vịt chết nổi dưới ao và rãnh nước.
Tìm vào nhà người dân trong xóm, chị Nguyễn Thị Tỉnh phản ánh: “Cả khu này có gần trăm nhân khẩu sống lay lắt trong sự ô nhiễm nặng nề, do bãi rác của công ty Hoàng Long”. Vừa nói chị Tỉnh vừa chỉ về phía ngọn núi khói bốc lên than thở: “Phía đấy là bãi rác của họ. Họ vận chuyển hàng trăm tấn rác về đấy rồi đắp đống. Vì bãi rác đặt ở đầu nguồn nên toàn bộ khe, suối nước ở vùng này bị ô nhiễm nặng, đen ngòm và hôi thối”.
Khi được hỏi chị có biết công ty này nhận vận chuyển cả rác thải y tế nguy hại hay không, chị Tỉnh nói: “Lạ gì chú, hàng ngày có mấy chục xe vận chuyển rác từ các bệnh viện trong tỉnh về đây. Đốt cũng chẳng xuể, ùn ứ hàng tấn trong bãi rác ấy”.
Một góc bãi rác công ty Hoàng Long. |
Chị Tỉnh cũng dẫn chúng tôi tới nhà bà Nguyễn Thị Tưởng, người cùng xóm. Bà Tưởng dẫn PV tới một khe suối và nói: “Trước đây, con suối này chảy quanh năm, nước trong veo. Chúng tôi vẫn dùng nước sinh hoạt hàng này. Song, từ khi công ty Hoàng Long chuyển rác về đây thì nó ô nhiễm nặng. Mỗi khi có mưa, cả con suối thành dòng nước nặng mùi, đen thui và nhầy nhầy. Cây cối trong khu vực chết hết nói chi đến tôm cá”.
Bà Tưởng dẫn chúng tôi đến khu ruộng lúa và nói: “Đấy các chú xem, lúa lên đến đó rồi mà khi mưa xuống nước trong suối tràn lên khiến lúa chết cháy. Chúng tôi cũng thử trồng cây sả thay vào cũng không sống nổi”. Riêng thông tin về công ty vận chuyển và xử lý rác thải y tế nguy hại tại khu bãi rác này, bà Tưởng nói ngay: “Có đến hàng tấn rác loại này được trộn với rác thải thông thường. Thời gian trước tôi cũng vào đó nhặt rác mà. Có lần thụt xuống hố đầy ống thuốc, kim truyền... tôi sợ quá bỏ không làm nữa”.
Bà Tưởng trước ruộng lúa chết héo cũng vì nhiễm nguồn nước thải. |
Bản hợp đồng… “chết người”
Sau khi hàng loạt hầm chôn rác thải trong khuôn viên bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc bị phát hiện, hàng loạt cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh, kiểm tra. Điều đáng nói, trước đó, khi làm việc với các cơ quan chức năng, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Bắc – ông Lương Văn Thịnh vẫn luôn cho rằng việc tồn tại những hầm rác thải y tế này là do... những thời giám đốc trước(!?). Ông này cho biết: “Bệnh viện có hợp đồng xử lý rác thải y tế nguy hại với công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long tại Hòa Bình”. Khi PV hỏi: “Liệu việc khai quật và vận chuyển một lượng rác thải y tế nguy hại ra khỏi bệnh viện sau khi bị phát hiện có phải cũng do công ty này đảm nhiệm hay không?” thì ông Thịnh... im lặng.
Cũng thời điểm này, PV đã cố gắng thu thập những thông tin về công ty Hoàng Long và bản hợp đồng xử lý rác thải y tế nói trên thì phát hiện một sự thật... "chết người". Công ty này... "không đủ năng lực để xử lý rác thải y tế nguy hại". Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi ngày khu chế biến và xử lý chất thải tại Lương Sơn tiếp nhận bình quân 55 tấn/ngày cộng với lượng rác thải của huyện khoảng 9 tấn/ngày thì nguồn rác thải mỗi ngày bình quân phải xử lý 64 tấn. Trong khi đó, công suất thực tế hay nói cách khác là khối lượng rác được xử lý tối đa 45 tấn/ngày.
Được biết, khối lượng rác sinh hoạt được doanh nghiệp xử lý trung bình 12 tấn/ngày. Với công suất xử lý 1,5 tấn/giờ, thời gian hoạt động 8 giờ/ngày thì số lượng rác tồn đọng mỗi ngày trên 30 tấn, ước tính đến nay số lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý đã lên đến trên 9.000 tấn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Yến, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Lương Sơn khẳng định: Với năng lực hiện tại, dù công ty Hoàng Long tăng tối đa thời gian hoạt động của hệ thống xử lý chất thải, vẫn không xử lý kịp thời số lượng rác thải nêu trên. Mặt khác, lượng rác tồn này doanh nghiệp để ngoài trời, không có mái che, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Đặc biệt, trong mùa mưa sẽ ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sức khoẻ của nhân dân, nhất là khu vực thị trấn Lương Sơn.
Vậy, câu hỏi được đặt ra là với một công ty không đủ năng lực để xử lý rác thải nói chung và rác thải y tế nói riêng, tại sao các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn cấp phép hoạt động? Liệu, hàng chục tấn rác thải y tế nguy hại đang tồn dư tại bãi rác này gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân tại đây ra sao?
Báo ĐS&PL tiếp tục đăng tải thông tin liên quan vụ việc này.
Mỗi ngày chuyển chở khoảng 70 tấn rác, chỉ đốt xử lý được 20 tấn Theo ông Nguyễn Khắc Yến, Phó phòng TN&MT huyện Lương Sơn, việc công ty có được phép xử lý rác thải y tế nguy hại hay không thì ông chưa nắm rõ. Thực tế, hiện nay công ty này xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại cùng một hệ thống. Đánh giá về việc liệu số lượng rác thải y tế nguy hại mà công ty Hoàng Long hợp đồng chuyển về để xử lý có đảm bảo hay không, nếu chỉ sử dụng chung một hệ thống để xử lý cả rác thải thông thường và rác thải y tế nguy hại chắc chắn là không đảm bảo... Hiện tại, mỗi ngày tại bãi rác này tồn dư khoảng 50 tấn rác chưa kịp xử lý. Theo ông Nguyễn Khắc Yến, mỗi ngày công ty chuyển chở về đây khoảng 70 tấn, chỉ đốt xử lý được 20 tấn... Những đống rác ở bãi rác này đã chất lên thành núi. Việc ô nhiễm ở khu vực này là trầm trọng... |
VI HẬU
Xem thêm video:
[mecloud]xl3jTxm83R[/mecloud]