Có thể nói, đây là một trong những vụ kiện có nhiều tình tiết pháp lý cần được làm rõ trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp của tòa án đối với các quy định luật doanh nghiệp.
Dự kiến, tuần này Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) sẽ đưa ra xét xử vụ kiện giữa doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và Công ty CP tập đoàn Đại Dương. Đây là một trong những vụ kiện có nhiều tình tiết pháp lý cần được làm rõ trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp của tòa án đối với các quy định luật doanh nghiệp.
Tranh cãi việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (sau đây được gọi tắt là “Tập đoàn Đại Dương” hoặc “OGC”) đã chính thức ra thông cáo báo chí để cung cấp thêm một số tình tiết liên quan đến vụ việc hy hữu này. Theo đó, OGC là doanh nghiệp hoạt động dưới mô hình công ty đại chúng, kinh doanh chính trong lĩnh vực đầu tư tài chính, dịch vụ khách sạn và bất động sản. Ngày 15/08/2018, Tập đoàn Đại Dương tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 (do 2 lần đầu không đủ điều kiện tổ chức theo quy định tại Điều lệ), tuân thủ theo đúng nội dung yêu cầu tại các văn bản liên quan của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức đại hội không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tại cuộc họp này.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 đã được tổ chức thành công, Đã báo cáo đầy đủ, kịp thời lên UBCK NN và Sở GDCK TP HCM, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật và Điều lệ Công ty, tỷ lệ biểu quyết tán thành đối với các vấn đề được đưa ra Đại hội cao gần như tuyệt đối. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 đã miễm nhiệm tư cách TV HĐQT của ông Hà Trọng Nam vì có sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề chiếm dụng vốn rất lớn của Công ty (đã được nêu gay gắt qua nhiều kỳ Đại Hội trước đó), bầu ra được Hội đồng quản trị mới, giúp ổn định tình hình quản trị của Tập đoàn Đại Dương, bước đầu lấy lại được niềm tin từ các cổ đông, nhà đầu tư. Cổ phiếu OGC trên thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tích cực kể từ sau ngày tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 lần 3 (ngày 15/08/2018).
Trong khi Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo của OGC đang gấp rút và tích cực triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo đã nộp khởi kiện yêu cầu Tòa án Nhân dân quận Ba Đình yêu cầu Hủy toàn bộ nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018.
Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo cho rằng việc Đại hội đồng cổ đông OGC không chấp nhận quyền biểu quyết của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 là sai quy định. Ngày 10/10/2018, Tập đoàn Đại Dương tiếp tục nhận được Quyết định Áp dụng Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời số 114/2018/QĐ-BPKCTT ghi ngày 03/10/2018 của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình.
Theo đó, Thẩm phán Trần Thị Tố Thu quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Cấm thực hiện Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho đến khi có quyết định khác theo quy định của pháp luật”.
Doanh nghiệp thiệt hại
Trong thông cáo báo chí phát đi, OGC khẳng định, do việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án Nhân dân quận Ba Đình trong vụ việc này là vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của Tập đoàn Đại Dương nên ngày 12/10/2018, Tập đoàn Đại Dương đã có Đơn Khiếu nại Khẩn cấp gửi tới ông Chánh án Tòa án Nhân dân quận Ba Đình để yêu cầu xem xét giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật. Ngày 18/10/2018, Tập đoàn Đại Dương đã nhận được Quyết định Giải quyết Khiếu nại số 03/2018/QĐ-CA ghi ngày 17/10/2018 của Chánh án Toà án Nhân dân quận Ba Đình. Theo đó, Chánh án Toà án Nhân dân quận Ba Đình vẫn chấp nhận duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một phần Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 số 002/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/08/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương.
‘Việc Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, Tập đoàn Đại Dương và toàn bộ các cổ đông của OGC vì sau khi có thông tin về việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tập đoàn Đại Dương, cổ phiếu của OGC trên thị trường ngay lập tức giảm giá liên tục. Giá đóng cửa giao dịch vào ngày 04/10/2018 của cổ phiếu OGC là 3.200 đồng/cổ phiếu, tính đến hết ngày 16/10/2018, giá đóng cửa của cổ phiếu OGC chỉ còn 2.780 đồng/cổ phiếu, giảm 420 đồng/cổ phiếu so với ngày 04/10/2018, tương đương với mức giảm 13,12%’, OGC cho biết.
Theo phân tích của OGC, Thẩm phán Trần Thị Tố Thu - Tòa án nhân dân Quận Ba Đình đã không tuân thủ nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, theo đó: “Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định”.Tuy nhiên, theo chính nội dung Quyết định Thay đổi Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời số 146/2018/QĐ-BPKCTT, Thẩm phán không tự mình xem xét, quyết định mà căn cứ vào Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Toà án Nhân dân quận Ba Đình. Như vậy, rõ ràng nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 được trích dẫn trên đây đã không được tuân thủ.
Thêm vào đó, bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 không có quy định cho phép Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ việc kinh doanh thương mại:Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.
Theo quy định được trích dẫn nêu trên, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, không có quy định nào cho thấy Tòa án có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ việc kinh doanh thương mại.
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không cần thiết vì công việc mà Toà án buộc OGC tạm dừng thực hiện đã được thực hiện xong từ trước ngày Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Phía OGC cũng cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ của OGC bởi Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...”.
Theo quy định được trích dẫn nêu trên, chỉ cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 mới có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, toàn bộ cổ phần của OGC mang tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và Chủ Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo hiện đều đang bị Cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý để thi hành án.
Xung quanh vụ kiện hy hữu này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cập nhật diễn biến tại phiên tòa xét xử.
PV