Báo Người lao động, ngày 25/12, nguồn tin cho biết hội đồng kỷ luật của Trường TH-THCS Lê Lai (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã thống nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với giáo viên xúc phạm, chửi học sinh "không có não".
Nguồn tin cho biết, sự việc xảy ra tại Trường THCS Lê Lợi, tuy nhiên nay cô Q.A đã chuyển công tác sang Trường TH-THCS Lê Lai nên ngay sau khi tiếp nhận thông tin phụ huynh phản ánh, nhà trường đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý cô giáo P.Q.A. Trước hội đồng kỷ luật, cô Q.A. đọc bản tự kiểm điểm và cam kết rút kinh nghiệm sâu sắc về hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của mình.
Sau khi thảo luận, hội đồng kỷ luật Trường TH-THCS Lê Lai đã thống nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cô Q.A.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, trước đó, bà Đ.T.C (ngụ huyện Krông Búk), đã có đơn tố cáo giáo viên P.Q.A (32 tuổi, từng công tác tại Trường THCS Lê Lợi, vừa chuyển công tác về Trường TH-THCS Lê Lai). Theo đơn, khi giảng dạy ở Trường THCS Lê Lợi, cô A đã dùng lời lẽ miệt thị khiến con gái bà là em N suy sụp tinh thần, phải điều trị tâm lý.
Ngày 17/11, Trường THCS Lê Lợi đã làm việc với 35 học sinh từng học với cô giáo A để làm rõ vụ việc. Hầu hết các em học sinh đều xác nhận có việc cô A xúc phạm em N.
Ngoài ra, nhà trường cũng làm việc với cô A. Qua làm việc, cô A thừa nhận đã có lời lẽ thiếu chuẩn mực, xúc phạm em N.
Do cô A đã chuyển sang công tác sang Trường TH-THCS Lê Lai nên Trường THCS Lê Lợi đã thiết lập hồ sơ và các tài liệu liên quan gửi đến nơi cô A đang công tác để xử lý.
Được biết, vợ chồng bà C. ly hôn cách đây 5 năm, em N. ở với bố tại huyện Ea H’leo. Khi xảy ra vụ việc, em N điện thoại tâm sự với mẹ.
Như đã đưa tin, thời điểm xảy ra sự việc, bà C. đã trao đổi qua điện thoại với cô P.Q.A., theo đó cô Q.A đã thừa nhận từng có lời lẽ chưa chuẩn mực khi nóng giận.
Về vụ việc trên, cô P.Q.A. cho hay: “Tôi la mắng em N. chỉ vì có một số lần trong giờ học Toán nhưng lại đưa sách Lịch sử ra chép bài. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng em N. không hợp tác. Lúc này, tôi nóng giận lên và nói em có não để suy nghĩ không? Có thấy hành động đó sai hay không. Đây là câu nói tôi đã thừa nhận khi nói chuyện với phụ huynh. Hoàn toàn không sử dụng mày tao với học sinh”, cô P.Q.A. nói.
Bảo An(T/h)