Qua tìm hiểu, có ít nhất 3 trường hợp học sinh từng bị giáo viên bộ môn GDCD đuổi học, đánh chảy máu miệng, gãy răng hay dùng những lời lẽ nặng nề để mắng chửi. Đặc biệt, đã có 2 gia đình học sinh từng trực tiếp gửi đơn, nêu ý kiến phản ánh vụ việc tới Ban giám hiệu trường THCS Thị trấn Vân Đình (Hà Nội) để yêu cầu làm rõ.
Liên quan đến vụ cô giáo dạy GDCD của trường THCS Thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa – Hà Nội) bị phụ huynh tố đánh học sinh chảy máu miệng, gãy răng, trao đổi với PV Người Đưa Tin, chị V.T.H. có con gái chị là T.T.N.L. hiện đang theo học lớp 8A (THCS Thị trấn Vân Đình) cho biết, vào ngày 22/10/2018, cháu L. đã bị cô N.T.T. đuổi ra khỏi lớp học khi có giờ học môn của cô này. Với lý do em L. đã cãi lời và có thái độ với cô T.
Ngồi bên cạnh mẹ, cháu L. kể lại sự việc với phóng viên: "Hôm đấy, phía dưới nền nhà lớp học có một vỏ hộp sữa, cô T đã yêu cầu em nhặt lên. Em có nói với cô không phải do em uống, bạn nào uống thì bạn đấy tự vứt. Sau khi cô quát lên, em đã nhặt và em có nói với cả lớp rằng bạn nào uống vứt ra đấy thì nhận đi, đừng bắt tôi phải chịu trận nữa”.
Sau khi em L. nói vậy, cô T. đã nói rằng: “Chị dọa ai đấy?” và em L. có đáp rằng: "Em không dọa nạt ai cả". Sau đó, cô T. đã yêu cầu cả lớp mỗi học sinh phải mua 1 lốc sữa nộp lại cho cô. Không đồng ý với yêu cầu này của cô giáo, em L. đã phản bác lại lời cô rằng gia đình em không có tiền mua sữa. Lúc này cô T. đã dùng lời lẽ xúc phạm đến nghề nghiệp bố mẹ em L.
"Lúc đó, cô có hỏi bố mẹ em làm gì. Em đáp rằng bố em đi làm thợ xây ngoài nghĩa trang, còn mẹ em bán hoa quả ngoài chợ". Dừng lại một lúc, em L. nói tiếp: "Cô giáo coi thường nghề nghiệp của bố mẹ em khiến em rất buồn, cô có nói là: “Mẹ chị bán hàng ngoài chợ mà không có tiền mua sữa thì là cái loại gì? Chị chỉ cần nói thế là tôi đã biết bố mẹ chị là loại người gì rồi. Cha nào con nấy, rau nào sâu đấy”...", em L. kể.
Bài viết của phụ huynh tố nữ giáo viên dạy GDCD đánh gãy răng học sinh trên mạng xã hội. Ảnh: Dân Trí |
Sau khi bị cô giáo T. nói vậy, L. đã yêu cầu cô không được xúc phạm bố mẹ của mình. Sau đó, cô T. đã đuổi L. ra khỏi lớp học và cấm L. không được vào học môn GDCD trong vòng 3 tuần. Mỗi lần đến tiết học, thấy L. vẫn ngồi trong lớp, cô T. liền đuổi em xuống sân trường và không cho đứng gần lớp nghe giảng.
Về phía phụ huynh của em L., chị H. không hề hay biết vụ việc con gái bị đuổi học 3 tuần môn GDCD. Theo lời chị H., học sinh học môn cô T. thường bị cô dọa về việc không tổng kết điểm môn học. "Mỗi lần cô dọa như vậy, các cháu thường chọn im lặng không nói với phụ huynh. Vì nếu nói ra, cô sẽ tổng kết điểm không đạt, như vậy, sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập".
Chị H. cũng cho biết, sau khi bị đuổi học, em L. có dấu hiệu lo lắng, sút cân, và không ăn uống gì. “Mấy hôm đấy, đến giờ cơm tôi gọi cháu ăn cơm nhưng cháu bảo không đói, mặc dù cả chiều không ăn gì. Thấy con gái xanh xao tôi cũng cứ nghĩ cháu đang ở tuổi dậy thì nên cũng hiểu nên không ép gì cháu nữa. Tuy nhiên, cả tuần cháu cứ không chịu ăn, có ăn thì ăn rất ít, bố mẹ gọi thì cứ bị giật mình rồi mặt tái mét”, chị H. chia sẻ.
Nhờ một phụ huynh có con theo học cùng lớp với L., chị H. mới biết con gái bị đuổi học. Sau khi biết tin con gái bị đuổi học, chị H. vô cùng ngạc nhiên. Chị luôn nghĩ con gái vốn có thành tích học tập tốt, không thể nào bị đuổi học được. Chị cũng không thể ngờ một giáo viên dạy bộ môn GDCD lại có lời lẽ xúc phạm đến gia đình chị như vậy.
“Mãi 2 tuần sau tôi mới hay biết việc cháu bị đuổi học, không được vào lớp ngồi học và cứ phải ra sân trường ngồi khi đến giờ của cô T.. Tôi cũng rất bất ngờ vì tôi không nhận được thông báo gì từ phía nhà trường về việc con gái bị đuổi. Sau khi biết sự việc, tôi liền an ủi cháu, mọi vấn đề bố mẹ sẽ giúp cháu giải quyết để cháu yên tâm học hành. Sau khi được bố mẹ động viên thì cháu đã chịu ăn uống và vui vẻ trở lại”, chị H. nói
Cũng qua chia sẻ, chị H. cho biết, sau khi biết sự việc, phía cô giáo chủ nhiệm của lớp em L. có yêu cầu em đến xin lỗi cô T. vì hành vi của mình. L. cùng cô giáo chủ nhiệm đến gặp cô T. nhưng cô T. không tiếp chuyện và không chấp nhận bất kì lời xin lỗi nào từ phía học sinh L.
Sau khi biết được thông tin, chị H. đã đến lớp học của L. xác thực lại thông tin. Biết toàn bộ thông tin là chính xác. Chị H. đã làm đơn lên Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu làm rõ vụ việc: "Phía cô giáo T. không nhận mình sai, do học sinh hư nên cô phải phạt. Tôi thấy cô T. hành xử như vậy là không chuẩn mực của một giáo viên. Mà đặc biệt, cô còn là giáo viên dạy môn GDCD", chị H. bức xúc kể.
Học sinh N.V.Th. từng bị cô giáo đánh gãy răng. Ảnh: Người Đưa Tin |
Một trường hợp khác, em N.V.Th. là học sinh lớp 8C (THCS Thị trấn Vân Đình). Em đã bị cô T. tát làm gãy 2 chiếc răng với lý do em không mang sách GDCD khi đến tiết học của cô. Em Th. chia sẻ: “Vì là đầu năm học, ông bà cũng chưa có tiền mua sách nên em có nói với cô là không mang sách. Khi đó, cô liền tát em vào miệng, em rất đau và đã khóc. Rất nhiều buổi học, cô T. yêu cầu lớp phải học thêm đến tận 12h30 mới được tan. Trong khi giờ tan học quy định của trường là 11h45”.
Phía gia đình em Th., ông ngoại em cho hay: “Thực ra khi cháu bị đánh tôi không biết. Cháu kêu đau miệng quá không ăn cơm được. Sau khi thấy cháu kêu đau, tôi có kiểm tra thì thấy răng cháu lung lay như sắp rơi ra, tôi liền cho cháu đi nhổ răng ngay. Khi sự việc xảy ra, gia đình có hỏi nhưng cháu sợ hãi và nói rằng do bị ngã. Nhưng sau khi dò hỏi kĩ, tôi mới biết cháu bị cô T. đánh. Vì cháu sợ cô sẽ không tổng kết điểm môn Công dân nên cháu không dám nói. Sự việc xảy ra khiến tôi rất bức xúc, không hiểu tại sao một giáo viên lại có thể đánh học sinh như vậy. Tôi cũng đã ý kiến lên phía Ban giám hiệu nhà trường làm rõ vụ việc".
Cũng một trường hợp khác là học sinh tên Đ.C.K, cùng lớp em N.V.Th. cũng đã bị cô T. tát rách miệng khiến chảy máu. Em K. chia sẻ: “Một lần trong tiết học của cô T., em thấy mệt trong người nên em đã nằm gục xuống bàn. Thấy vậy, cô T. đã yêu cầu em ngồi thẳng lưng lên. Lúc đó, em có trả lời là do mệt trong người nên em không ngồi thẳng dậy được. Nói vậy, cô T. liền đi về phía em và tát vào miệng của em. Do cô đeo nhẫn có đính đá nên khi tát, chiếc nhẫn đã làm em bị 1 vết rách nơi miệng. Lúc em bị chảy máu, cô cũng không làm gì cả”.
Sau khi chị H. trình đơn lên phía Ban giám hiệu nhà trường, sáng 15/11, thầy Vương Đăng Tuyến - Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Vân Đình đã mời phụ huynh của cả 3 học sinh là phụ huynh em L., phụ huynh em Th. và phụ huynh em K. lên làm việc với Ban giám hiệu. Qua buổi làm việc, phía phụ huynh yêu cầu nhà trường phải làm rõ sự việc với cô T., đồng thời có hướng giải quyết triệt để để các cháu học sinh có thể yên tâm khi theo học tại trường.
Về phía phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng cho hay: “Ngay sau khi nhận được báo cáo sơ bộ sự việc chúng tôi đã yêu cầu nhà trường, giáo viên tới xin lỗi học sinh và gia đình em này. Cô giáo này sai tới đâu thì cần phải có báo cáo chính thức, rồi từ đó mới thể đưa ra hình thức xử lý”.
Nguyễn Phượng (T/h)