(ĐSPL) - ASEAN không thể im lặng trước tình hình xung đột Việt-Trung trở nên trầm trọng, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
|
ASEAN kêu gọi các bên xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế. |
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Daw (Myanmar) kêu gọi các bên xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong Tuyên bố chung Nay Pyi Daw có đoạn viết: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực, đồng thời hành động nhằm giảm bớt căng thẳng và xúc tiến thông qua một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông".
Ông Dmitry Mosyakov, lãnh đạo Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu phương Đông, nhận xét:
“Ở đây, có nhiều thứ được đặt lên bàn cờ. ASEAN và Trung Quốc vốn ràng buộc chặt chẽ trong các quan hệ kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương tiến tới con số 400 tỷ USD. ASEAN có khả năng nhận định rằng tình hình hiện nay chưa nghiêm trọng đến mức để trở thành lý do thông qua các nghị quyết lên án gay gắt việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. Hiện chưa rõ liệu iện HIệngiàn khoan Trung Quốc có phát hiện được gì gần quần đảo Hoàng Sa hay liệu Trung Quốc có tiếp tục các hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam hay không?”
Chuyên gia Dmitry Mosyakov nói ai cũng biết rõ tính bất hợp pháp trong các hành động (hạ đặt và hộ tống giàn khoan ở vùng biển Việt Nam) của Trung Quốc. Khu vực này là thềm lục địa ngoài khơi của Việt Nam và chỉ có thể tiến hành hoạt động tại đây với sự đồng ý của Việt Nam. Việc ASEAN không cương quyết lên án Trung Quốc có khả năng sẽ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục các hành vi xâm phạm. Ông Mosyakov nói tiếp: “Hôm nay,Trung Quốc hướng về phía Việt Nam, ngày mai họ có thể nhằm vào Philippines. Khi đó, thỏa thuận ký kết với Mỹ về tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ khó có thể giúp gì cho nước này. Việc ASEAN ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn và đoàn kết như một mặt trận thống nhất trước những động thái tương tự của Trung Quốc, sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc, tìm kiếm cơ hội thỏa hiệp và xuống thang căng thẳng. Coi tình hình này là lý do quá nhỏ để làm tổn thất cho hoạt động kinh doanh tốt đẹp với Trung Quốc, ASEAN sẽ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở song phương”.
Hơn 10 năm qua, ASEAN và Trung Quốc thảo luận về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một tài liệu sẽ mang tính ràng buộc đối với tất cả các bên hữu quan. Vào mùa Thu năm ngoái các cuộc tham vấn Trung Quốc-ASEAN diễn ra được giới chuyên gia đánh giá như sự tiến bộ đáng kể trong quá trình này. Nhưng xung đột leo thang xung quanh quần đảo Hoàng Sa cho thấy hiện chưa phải lúc hy vọng vào giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề Biển Đông.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-gian-khoan-bien-dong-asean-khong-the-im-lang-a32869.html