Theo cáo trạng, số tiền 2 đối tượng là Trần Ứng Thanh và Nguyễn Đức Thanh khai nhận dùng để chạy dự án Giãn dân phố cổ lên đến 113 tỷ đồng...
Vụ việc gần 200 người dân mua nhà tạị dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội) của công ty CP Vật liệu và XNK Hồng Hà (công ty Hồng Hà) làm chủ đầu tư đang khiến dư luận hoang mang khi vụ án đã được cơ quan CSĐT khởi tố 2 năm nay nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Trong đó, vấn đề người dân lo lắng nhất đó là không biết gần 200 tỷ nộp cho công ty này đang ở đâu?
Sau quá trình tìm hiểu và xác minh thông tin phóng viên được biết, vụ việc này đã được kết thúc điều tra vào tháng 5/2013 và ngày 12/11/2013, Viện kiểm soát nhân dân thành phố Hà Nội đã có cáo trạng. Tuy nhiên đã 5 tháng nay, vụ án vẫn chưa được tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện xét xử.
Người dân bức xúc. Ảnh: C.L |
Nguyên nhân của việc chậm xét xử này theo phản ánh của nhiều người dân là bị hại do đối tượng Trần Ứng Thanh liên tục phải nhập viện do lâm bệnh nặng.
Bà Mai Thị Tố Nga (người bị hại) cho biết, gia đình bà đã nhận được giấy mời tòa án nhiều lần nhưng sau đó lại bị hoãn do Trần Ứng Thanh – đối tượng chính vụ án bị ốm. “Chúng tôi nhận lệnh hoãn tòa án 5 lần rồi mà vẫn chưa xử được” bà Nga nói.
Còn theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội ngày 12/11/23013, đối tượng Trần Ứng Thanh (1947) - nguyên Tổng giám đốc công ty CP Vật liệu và XNK Hồng Hà, đối tượng Nguyễn Đức Thắng (1950), đối tượng Nguyễn Đức Lợi (1955), đối tượng Nguyễn Quốc Xương (1958) - Phó Tổng giám đốc công ty CP Vật liệu và XNK Hồng Hà đều bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Số tiền các đối tượng này chiếm đoạt của người dân là 169 tỷ đồng. Trong đó, số tiền 2 đối tượng là Trần Ứng Thanh và Nguyễn Đức Thanh khai nhận dùng để chạy dự án lên đến 113 tỷ đồng. Tuy nhiên, danh tính những người đã nhận tiền để chạy dự án cho Thanh và Thắng không được thể hiện trong cáo trạng.
Trong cáo trạng nêu, sự việc trên cũng xuất phát từ việc, các cán bộ UBND Quận Hoàn Kiếm đã soạn thảo, ký các văn bản quyết định không đúng với thẩm quyền, không đúng với quy định của pháp luật dẫn đến việc công ty Hồng Hà đã sử dụng các giấy tờ trên để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền với số lượng lớn cuả nhiều người.
Vụ việc này sẽ được cơ quan CSĐT tách ra để xử lý riêng.
Hiện số tiền tang vật thu được chỉ có 37 triệu đồng và 3.100 USD trên tổng số 169 tỷ đã thu của khách hàng. Tuy nhiên, cáo trạng lại không nêu rõ các đối tượng trên đã sử dụng trên 100 tỷ đồng để quan hệ và biếu xén cho những ai.
Dự án dãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng được thành phố Hà Nội giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư theo hình thức xã hội hoá. UBND quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án.
Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm có Quyết định số 1917 về việc giao cho Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư khu nhà ở phục vụ dãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng.
Tuy chỉ có những văn bản chấp thuận về nguyên tắc, dự án chưa được UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt nhưng Công ty Hồng Hà đã ngay lập tức ký kết với nhiều nhà đầu tư thứ phát và khách hàng, rao bán căn hộ thuộc dự án dãn dân phố cổ.
Rất nhiều khách hàng bị hấp dẫn trước mức giá khởi điểm khá mềm vào thời điểm chung cư đang sốt (15 triệu đồng/m2, tiền chênh lệch từ 1 – 2 triệu đồng/m2) nên đã hồ hởi góp vốn với công ty.
Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã phát hiện ra việc Công ty Hồng Hà huy động vốn trái pháp luật nên đã hủy việc cho Công ty Hồng Hà được mua 50 căn hộ chung cư và sử dụng 15\% số căn hộ trên tổng dự án để kinh doanh.
Tuy nhiên, những thông tin này đã bị lãnh đạo Công ty Hồng Hà giấu kín và tiếp tục huy động vốn của hàng trăm khách hàng với tổng số tiền lên tới trên 200 tỷ đồng…