Sáng 30/12, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PT&NT), Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP.Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ủ chất cấm.
Theo VTC News, công văn của UBND tỉnh Đắk Lắk nói rõ, những ngày qua báo chí đăng tải các bài viết về giá đỗ ngâm chất cấm và cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN-PT&NT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP.Buôn Ma Thuột và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung báo chí nêu.
Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm (ngoài danh mục được phép sử dụng); công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo trên địa bàn tỉnh đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đỗ; Giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian đến để kịp thời chấn chỉnh nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, các đơn vị báo cáo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trước ngày 2/1/2025.
Trước đó, theo báo Pháp luật TP.HCM, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, đã kiểm tra, phát hiện 6 cơ sở tại TP.Buôn Ma Thuột sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine (6-BA) để sản xuất giá đỗ.
Trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường gần 3.000 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-BA, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn.
Trong số các cơ sở sản xuất giá đỗ bị phát hiện sai phạm, cơ sở Lâm Đạo được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy hải sản Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện, cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PT&NT đã yêu cầu Sở NN-PT&NT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cụ thể vụ việc.