(ĐSPL) - "Nếu đúng là UBND tỉnh sai thì tại sao ông Dũng không kiện ra toà. Việc kiện ra toà là cách hành xử văn minh nhất. Đây không phải là câu chuyện của một ông giám đốc với ông chủ tịch tỉnh mà là câu chuyện quản lý tầm quốc gia".
Đó là quan điểm của luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về sự việc có một không hai này.
Luật sư Trần Quốc Thuận. |
Ông Dũng "lò vôi" tuyên bố đóng cửa khu du lịch Đại Nam đang gây xôn xao dư luận. ông nghĩ sao về hành động này?
Theo tôi được biết, trước đó Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên nhìn nhận sự việc theo kiểu "thầy bói xem voi".
Nhà nước không đi tranh chấp với doanh nghiệp, việc đóng cửa doanh nghiệp là quyền của họ, chứ không phải doanh nghiệp tự đóng cửa lại đổ lỗi do chính quyền "o ép". Theo tôi, cái thiếu của chính quyền tỉnh Bình Dương là không sớm lên tiếng lý giải văn bản mình ban hành.
Theo ông, đâu là mấu chốt của sự kiện này?
Theo tôi, khúc mắc nằm ở chính quyết định giao đất của UBND tỉnh cho ông Dũng "lò vôi". Vấn đề này cần được làm rõ. Việc ông Dũng "ăn chay nằm đất" xây dựng khu vui chơi Đại Nam được ví là câu chuyện thần kỳ. Lợi nhuận từ khu du lịch này cũng rất lớn, cho nên, khi ông Dũng "lò vôi" quyết định đóng cửa khu du lịch phải có nguyên do.
Chưa bàn về chuyện đúng sai, nhưng rõ ràng việc ông Dũng đóng cửa khu vui chơi giải trí Đại Nam trước tiên gây thiệt hại kinh tế cho cá nhân ông ấy. Từ khúc mắc chưa được chính quyền địa phương và doanh nghiệp giải quyết. Quyết định đóng cửa không hoạt động kinh doanh sản xuất là quyền của họ. Nếu ở địa phương khác, doanh nghiệp cũng lấy việc đóng cửa hoạt động để phản đối, rõ ràng đây là tiền lệ không tốt.
Có ý kiến cho rằng, động thái của ông Dũng "lò vôi" là một ví dụ cho việc không ưu đãi doanh nghiệp trong nước?
Sự kiện liên quan đến ông Dũng "lò vôi" tôi không bàn đến. Nhưng trên thực tế, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phụ thuộc căn bản vào chính sách của từng địa phương. Chúng ta không thể võ đoán, nói đấy là một minh chứng được.
Câu chuyện mà dư luận quan tâm ở đây là vì sao ông Dũng "lò vôi" lại đóng cửa khu du lịch Đại Nam? Trong khi chính quyền địa phương vẫn không thay đổi quyết định, đằng sau nó là gì? Còn câu hỏi, liệu có sự "o ép" của chính quyền địa phương hay không là chuyện khác. Nếu đúng là UBND tỉnh sai thì tại sao ông Dũng không kiện ra toà. Việc khiếu kiện ra toà là cách hành xử văn minh nhất. Đây không phải là câu chuyện của một ông giám đốc với ông chủ tịch tỉnh mà là câu chuyện quản lý tầm quốc gia.
Có ý kiến cho rằng, khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thì "trải thảm đỏ" nhưng sau đó một thời gian lại "thắt chặt" các tiêu chí mới nảy sinh phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp như sự kiện ông Dũng "lò vôi", thưa ông?
Bây giờ vấn đề là phải xem bản chất thế nào, đúng chỗ nào, sai chỗ nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, trên thực tế tại một số địa phương cũng tồn tại tình trạng "qua cầu rút ván". Ban đầu thì "trải thảm đỏ", nhưng có khi doanh nghiệp bỏ tiền của vào đầu tư ở một mức nào đó thì địa phương lại đưa ra "điều kiện" mới, gây khó cho doanh nghiệp. Với trường hợp này có đúng như vậy không là điều đáng bàn. Chắc rằng, ở địa phương này hay địa phương khác, việc quản lý thiếu nhất quán cùng với sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng dẫn đến những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và địa phương.
Câu chuyện trên có thể nhìn nhận ở góc độ có những cơ chế, chính sách về việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương không nhất quán dẫn đến những lình xình không đáng có. Nếu nhận thấy doanh nghiệp có hiện tượng nào bất thường thì có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra. Khi doanh nghiệp nói "o ép" thì cơ quan quản lý Trung ương cần vào cuộc để làm rõ. Không nên để dẫn đến cách hành xử tiêu cực như vậy.
Xin cảm ơn ông!