+Aa-
    Zalo

    Vụ công chức, viên chức tuyển dụng sai 19 năm ở Hà Tĩnh: Cần xem xét trách nhiệm người trong hội đồng tuyển dụng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hà Tĩnh đã có công văn đề xuất bộ Nội vụ xem xét, đồng ý cho tỉnh thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch công chức, viên chức, đảm bảo đúng theo quy định.

    Sau khi thông tin hàng trăm công chức, viên chức tuyển dụng sai 19 năm của Hà Tĩnh được công bố, tỉnh này đã có công văn đề xuất bộ Nội vụ xem xét, đồng ý cho tỉnh thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch công chức, viên chức, đảm bảo đúng theo quy định. Tuy nhiên, việc sửa sai theo cơ chế xin cho này đang gây phản ứng trái chiều của dư luận.

    ĐBQH Phạm Văn Hòa không đồng tình với việc xin cơ chế để sửa sai của Hà Tĩnh.

    Lỗi của tổ chức thì xin cơ chế riêng?

    Trước những băn khoăn, lo lắng của cán bộ viên chức, công chức tại Hà Tĩnh về kỳ thi tuyển dụng lại công chức giai đoạn từ 1998 – 2017, tối 20/12, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với một vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

    Theo vị lãnh đạo này, những ngày qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nắm bắt được sự lo lắng của các cán bộ công chức, viên chức. Quan điểm của tỉnh là sẽ đề xuất, xin phương án, hình thức như thế nào để vừa công nhận, phát huy vai trò trách nhiệm của các cán bộ công, viên chức vừa để họ yên tâm công tác.

    Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, những năm trước đây để đáp ứng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc theo tiêu chí của Chính phủ. Tuy nhiên, thời điểm đó, số lượng sinh viên đạt loại xuất sắc rất ít người có nguyện vọng về Hà Tĩnh làm việc nên tỉnh đã phải hạ tiêu chí xuống loại giỏi.

    “Đây không phải là lỗi của họ mà là lỗi của tổ chức. Họ được nhận về bây giờ không thể bắt họ phải có điều kiện này điều kiện khác. Tỉnh đã có công văn đề xuất bộ Nội vụ xem xét, đồng ý cho Hà Tĩnh thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch công, viên chức, đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện theo tinh thân của Kết luận 71 của Ban Bí thư và hướng dẫn của bộ Nội vụ", vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

    Cũng theo vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sát hạch là kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục của cán bộ công chức, viên chức lâu nay còn thiếu cái gì? Nếu thiếu chứng chỉ tin học hay tiếng Anh thì cho cán bộ công chức, viên chức đi học bổ sung, thời gian cũng phải giãn ra chứ không thể kịp được. Thứ hai là xét quá trình công tác những người được tiếp nhận có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không?

    Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đề xuất với bộ Nội vụ phương án thành lập hội đồng sát hạch ngay tại cơ quan, đơn vị nơi các công chức viên chức công tác, tỉnh sẽ là đơn vị giám sát để tránh những tiêu cực có thể xảy ra.

    “Sửa sai như vậy là không chấp nhận được”

    Theo dõi sự việc, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, sai thì phải sửa, đó là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh đang khiến dư luận có những hoài nghi về quy trình thực hiện quá gấp gáp. Bởi lẽ, từ tháng 6/2020, bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh thành tổ chức rà soát cán bộ công chức, viên chức của tỉnh và tiến hành thực hiện những kỳ thi tuyển lại nếu có sai phạm. “Đến thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành một văn bản, kế hoạch tuyển dụng như vậy, đã sai lại còn sửa sai quá muộn”, ông Hòa nói.

    Theo ông Hòa, việc tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bộ Nội vụ xem xét, đồng ý cho tỉnh này thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch công, viên chức ngay thời điểm này là không chấp nhận được. Các tỉnh thành khác khi xảy ra sự việc tương tự họ lập tức sửa sai, thực hiện nghiêm túc, ai không vượt qua thì buộc phải mất hết chức vụ.

    “Ai cũng xin cơ chế khác như vậy thì việc chấp hành các quy định thi tuyển công chức, viên chức đã đề ra sẽ không còn giá trị. Nếu bộ Nội vụ có sự du di thì sẽ tạo một tiền lệ rất xấu”, ông Hòa nói và nhấn mạnh rằng, một kỳ thi sinh ra là thể hiện sự công bằng nếu tất cả được thực hiện một cách nghiêm túc.

    Vị ĐBQH cũng nhấn mạnh, khi kỳ thi được thực hiện xong thì cần xem lại trách nhiệm của những người đứng đầu, những người trong hội đồng tuyển dụng thời điểm đó. Sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó.

    Khi được hỏi về việc tỉnh Hà Tĩnh có động thái như vậy, ông Hòa nói rằng: “Phải chăng, vì sai phạm nhiều, thi lại với số lượng lớn cho nên Hà Tĩnh cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Nhưng ngột ngạt, khó chịu cũng là do họ tạo ra. Tại sao tỉnh này không làm đúng quy định thời điểm đó mà để tồn tại sai phạm đến tận bây giờ - đã 19 năm? Không ai chấp nhận được điều này”.

    Ngày 15/12, UBND Hà Tĩnh phát công văn đưa ra kế hoạch gấp gáp tuyển dụng lại công chức phải hoàn tất trước 31/12 cùng với phát ngôn của lãnh đạo sở Nội vụ: “Nếu cán bộ nào không tham gia kỳ thi thì sẽ không phải là công chức, viên chức nữa. Trường hợp thi không đạt cũng bị hủy quyết định, đồng nghĩa mất việc làm” khiến các công, viên chức vô cùng lo lắng.

    Bùi Ngân- Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số Thứ 3 (204)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-cong-chuc-vien-chuc-tuyen-dung-sai-19-nam-o-ha-tinh-can-xem-xet-trach-nhiem-nguoi-trong-hoi-dong-tuyen-dung-a350659.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan