Tối 4/12 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip nhóm học sinh gồm cả nam cả nữ tại trường cấp 2 Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, có hành vi dồn một nữ giáo viên vào tường. Trong đó một nam sinh cầm đầu, dùng lời lẽ xúc phạm cùng hành động thiếu giáo dục, thậm chí có hành vi ném dép vào đầu khiến cô ngất tại lớp.
Vụ việc đang khiến dư luận vô cùng bức xúc vì hành vi không chuẩn mực từ phía học sinh.
Trao đổi với Đời sống & Pháp luật về vụ việc, chuyên gia tâm lý TS.Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội, trong mấy năm gần đây tình trạng học sinh đánh nhau và quay clip tung lên mạng xã hội không còn là hiện tượng hiếm gặp ở Việt Nam.
Vụ một cô giáo ở trường cấp 2 tỉnh Tuyên Quang bị chính học sinh của mình nhốt trong lớp và có hành vi hành hung, xúc phạm.
“Đó là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn. Vị thế người thầy, vốn được đề cao như hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không cứu được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ. Khi xem clip tôi thấy sợ vì mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng”, TS Hồng nhận định.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nhận định, việc học sinh vô lễ với thầy cô không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ lâu. “Tuy nhiên chưa từng thấy học sinh có hành vi tác động lên cơ thể giáo viên nhiều như bây giờ”, PGS Nam nhận mạnh.
Theo PGS Nam, thời điểm hiện nay là thời điểm từ giáo viên, học sinh đến phụ huynh đều căng thẳng. Tuy nhiên, dù căng thẳng thì chuẩn mực của người học sinh cũng không thể vượt quá chuẩn mực chung.
Nguyên nhân khiến trẻ gia tăng bạo hành người khác
Theo TS Hồng phân tích, một số đứa trẻ bạo hành người khác vì học hỏi điều đó từ người lớn. Chúng chứng kiến cha mẹ hoặc hàng xóm của chúng bạo hành lẫn nhau hoặc trẻ em bị chính cha mẹ hoặc người lớn khác bạo hành.
Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế hay bạo lực tình dục giữa người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực của trẻ con đối với trẻ con và trẻ con đối với người lớn như những câu chuyện ở trên.
“Mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn. Mức độ bạo lực của cả người lớn và trẻ con phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội”, bà Hồng cho hay.
Còn theo ông Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến liên tiếp các vụ học sinh vô lễ với giáo viên. Một trong số đó là thái độ của giáo viên dành cho đứa trẻ không tốt.
“Xem hết câu chuyện, chúng ta nhận thấy chính giáo viên cũng không phải là tấm gương tốt, hành xử của giáo viên cũng không phải chuẩn mực.
Nhưng phải nhấn mạnh, cho dù hành xử giáo viên không tốt nhưng học sinh cũng không thể có hành vi không thể chấp nhận như thế được”, ông Nam nói.
Qua sự việc này, vị chuyên gia cho biết, người giáo viên rất cô đơn. Ngoài ra, trong sự việc lần này, còn cần trách nhiệm của người lớn khác đó là trách nhiệm của phụ huynh.
Hiện nay bố mẹ chịu nhiều áp lực trong công việc, trong đổi mới giáo dục, vô hình chung những áp lực của người lớn bị dồn xuống đứa trẻ.
Khi bố mẹ áp lực thường không có thái độ tốt với đứa trẻ, có hành vi ứng xử không công bằng, thiên vị. Chứng kiến điều này khiến đứa trẻ sinh ra cảm giác không được tôn trọng, nảy sinh hành vi chồng đối.
“Khi môi trường giáo dục gia đình tốt, cách hành xử tốt, thì đứa trẻ sẽ không có những hành vi thiếu tôn trọng giáo viên như thế này”, PGS Nam nhấn mạnh.
Sự việc giáo viên bị học sinh hành hung thời gian gần đây là hệ quả của cả một quá trình dài việc mất kết nối giữa giáo viên và học sinh.
Nguyên nhân cuối cùng chính là bản thân những đứa trẻ đang sống trong một môi trường quá áp lực. Áp lực từ mong muốn của cha mẹ, thầy cô khiến các em quá tải. Chỉ quan tâm đến kết quả học tập mà bỏ quên đi việc giáo dục nhân cách, kiếm soát hành vi, ứng xử của bản thân.
“Từ xưa đến nay chỉ thấy học sinh không hợp tác với thầy cô chứ chưa từng thấy trường hợp học trò đụng tay đụng chân với thầy cô như thế này bao giờ. Vị thế của giáo viên trong xã hội dang bị suy giảm uy tín”, ông Nam chia sẻ.
Nhiều giải pháp đã có nhưng chỉ “cất ngăn kéo”
Theo PGS Trần Thành Nam, nhìn nhận từ sự việc trên, hành vi ứng xử của cô giáo xuất hiện trong trạng thái không làm chủ được cảm xúc. Cốt lõi cho giải pháp hiện nay là giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Và việc này phải được vận hành có hiệu qủa
“Khi bản thân đã kiểm soát được cảm xúc sẽ không dẫn đến hành vi thiếu chuẩn mực như các clip trên mạng lan truyền”, PGS Nam nhấn mạnh.
Thêm nữa, ông Nam cho biết, bộ quy tắc ứng xử trong trường học đã có từ lâu, nhưng dường như được “cất ngăn kéo”, chưa bao giờ thấy được ứng dụng. Chính vì thế cần thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử, chẳng hạn: Thầy cô phải trở thành tấm gương cho học sinh noi theo; Giáo viên và học sinh cũng cần kiểm soát cảm xúc để tránh những clip tương tự như vụ việc trên lan truyền trên mạng xã hội…
Ngoài ra, cần phát triển phòng tư vấn học đường, sức khoẻ tâm thần để giúp học sinh giảm tải áp lực hiện nay đang có.
Mộc Trà