Vietnamnet đưa tin, liên quan đến vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp, ném dép vào người, UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết, nguyên nhân xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học.
UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vừa có báo cáo về việc kiểm tra, xác minh, giải quyết sự việc liên quan đến nhóm học sinh và giáo viên tại Trường THCS Văn Phú.
UBND huyện Sơn Dương cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29/11. Vào tiết 3 môn Âm nhạc của lớp 7C, khi đến giờ vào lớp, một số học sinh vẫn ở ngoài, cô giáo P.T.H (giáo viên trực tiếp giảng dạy) nhắc nhở thì bị học sinh phản ứng.
Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Do vậy, giữa giáo viên và học sinh có những khúc mắc trong giờ học. Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A. Sau tiết học, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. (nói tục, hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng lên mạng xã hội).
Ngày 30/11, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Dương, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh và đề xuất biện pháp xử lý.
Cùng ngày, Trường THCS Văn Phú đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C, 6A để tuyên truyền phụ huynh phối hợp giáo dục đạo đức học sinh, không để xảy ra sự việc tương tự.
Ngày 1 và 2/12, nhà trường đã họp, yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan viết tường trình sự việc, xác định rõ mức độ vi phạm để xem xét giải quyết theo quy định.
Ngày 5/12, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương - bà Phạm Thị Nhị Bình, cũng đã làm việc với Trường THCS Văn Phú và chỉ đạo nhà trường giải quyết vụ việc, xem xét đề xuất xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan. UBND huyện Sơn Dương cho biết sau khi có kết quả giải quyết sẽ báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan theo quy định.
Theo báo cáo khác của cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang, trong tháng 11, cô giáo H. cũng từng bị Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với lý do: “Bà H. vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh, ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đảm bảo tính sư phạm, đúng mực”.
Đến nay sự việc chưa được phân định rõ ai đúng, ai sai, tuy nhiên với 2 video xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó một ghi lại cảnh cô giáo cầm dép đuổi đánh học sinh chạy tán loạn; một video quay cảnh học sinh dồn cô giáo vào tường và có lời lẽ xúc phạm, hành động khiêu khích gây sốc cho nhiều người.
Cô Lê Thị Tuyết Thanh, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nói rằng, không rõ nội dung sự việc nhưng hình ảnh cô giáo bất lực, cam chịu giữa vòng vây của học sinh thật xót xa. Giáo viên đến lớp, ngoài lo kiến thức chuyên môn để dạy học, hồ sơ sổ sách, thi đua còn phải lo cả phản ứng của phụ huynh, học sinh. Trong đó, nhiều học sinh ngày nay được trang bị điện thoại thông minh, lăm le quay video, ghi âm lời nói của thầy cô.
“Giáo viên ngày nay không được phê bình học sinh trước trường, trước lớp, dường như bị tước hết vũ khí, quyền năng của thầy cô và học sinh vì thế đâu đó đã có lời nói, hành động quá trớn, xúc phạm nhà giáo. Với cách hành xử thiếu tôn trọng đó, rất khó để giáo viên có thể đứng lớp dạy chữ, dạy người”, cô Thanh nói.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội), nói rằng, hàng chục năm trước đây, điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn hơn hiện nay nhưng phụ huynh đều nhận thức thầy là người trao truyền kiến thức, văn hoá cho con em mình. Ngày nay, không ít phụ huynh, học sinh không coi trọng người thầy.
“Khi học sinh thiếu đi sự tôn trọng đối với thầy cô, sẽ rất khó để giáo dục các em. Nói một cách khách quan, vị thế của người thầy ngày nay không được coi trọng, đặt ở vị trí tôn nghiêm. Trong khi, mỗi người làm nghề dạy học rất cần sự ghi nhận, tôn trọng để tiếp tục tâm huyết, tận hiến”, thầy Bình nói, theo Tiền Phong.
Phương Linh(T/h)