+Aa-
    Zalo

    Vụ chồng "tung cước" đánh vợ trước mặt con: Một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hành vi đánh vợ mới sinh trước mặt trẻ nhỏ là hành vi rất đáng lên án, một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ.

    Hành vi đánh vợ mới sinh con và đánh vợ trước mặt trẻ nhỏ là hành vi rất đáng lên án, một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. 

    Những ngày qua, đoạn video ghi lại hình ảnh người chồng bạo hành vợ dã man ngay trước mặt con trai chừng 5-6 tuổi, trong khi chị này đang bế một đứa con nhỏ 2 tháng khiến nhiều người phẫn nộ.

    Trong clip, người chồng thẳng tay đánh đập, ném sỏi vào người vợ đang bế con nhỏ, làm chị ngã xuống nền nhà. Hành vi này diễn ra trước mặt những đứa trẻ vô tội, biến chúng thành nạn nhân chịu hậu quả vì tổn thương trong tâm hồn.

    Hình ảnh người chồng đánh vợ ngã ra sàn nhà - Ảnh cắt từ clip.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên VTC News, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, phải chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, trẻ sẽ hoảng loạn và niềm tin của trẻ với bố mẹ bị tổn thương. Điều này sẽ tác động tới tâm lý trẻ. Những đứa nhút nhát sợ sệt sẽ càng ngày càng sợ sệt, những đứa hung hăng từ gene của bố hoặc mẹ sẽ càng hung hăng hơn.

    Còn tiến sĩ Võ Văn Nam - Giảng viên khoa Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), hình ảnh bạo lực dù xuất phát từ đâu cũng để lại những ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí con người, nhất là trẻ nhỏ.

    Tuổi trẻ sớm thấy bạo lực, dần già sẽ thâm nhiễm vào tâm trí của các em rồi từ ý thức lọt xuống tiềm thức, từ tiềm thức rơi vào vô thức. Những lớp chồng chất trong vô thức đó cứ dày dần lên, để một lúc nào đó cái vô thức trỗi dạy và chỉ đạo hành động của đứa trẻ. Đó là bạo lực nói chung trong xã hội.

    Còn bạo lực với người thân, đặc biệt đối với bố mẹ của trẻ lại càng có ảnh hưởng trầm trọng hơn. Bố và mẹ là hai người trẻ đều kính trọng và yêu thương. Hai người mình yêu thương nhất trong gia đình lại dùng bạo lực để cư xử với nhau, trẻ không biết mình đứng về phía nào. Nếu bênh cha thì bỏ mẹ, bênh mẹ thì bỏ cha. Cả hai điều này không trẻ mong muốn cả.

    Trao đổi trên Tiền Phong, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên của trẻ. Cha mẹ là những người gắn bó suốt đời, người dành thời gian nhiều nhất và có vai trò quan trọng không thể thay thế trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Hành vi ứng xử của cha mẹ hàng ngày sẽ là hình mẫu góp phần xây dựng những nét nhân cách tích cực hoặc tạo nên những nét nhân cách tiêu cực ở các em.

    TS Nam cho rằng, chính vì vậy, hành động bạo lực giữa bố và mẹ tạo ra môi trường stress ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ cho đến tận 19 tuổi.

    TS tâm lý Vũ Thu Hương thì cho rằng, dù con còn bé hay là học sinh học tiểu học thì chắc chắn vẫn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng do phải chứng kiến cảnh hành hung hết sức dã man này.

    TS Hương cho rằng, thông thường người bị đánh thường không cảm thấy sợ bằng người chứng kiến. Cháu bé có thể sẽ bị sang chấn tâm lý và có thể bị ảnh hưởng thành 2 hướng. 1 là cháu có thể phát triển tính hung hãn, về sau cũng hành hung người khác.

    Người con có thể cảm thấy quá hoảng sợ, mất niềm tin vào hôn nhân. Đã có người không lập gia đình cả đời vì bố của họ đã hành hung và hành hạ mẹ trong suốt thời gian chung sống.

    “Cháu bé 2 tháng thì mức độ ảnh hưởng tâm lý ít hơn do còn quá nhỏ. Nếu không bị vấn đề sức khỏe ảnh hưởng do chẳng may chịu đòn thay mẹ thì bé sẽ bị hốt hoảng sợ hãi trong 1 thời gian ngắn. Sau này lớn lên, bé sẽ yếu ớt về tâm lý, dễ trầm cảm hơn bạn bè”- TS Hương phân tích.

    Báo Pháp luật TP HCM dẫn nguồn thông tin từ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho hay, hành vi đánh vợ mới sinh con và đánh vợ trước mặt trẻ nhỏ là hành vi rất đáng lên án, một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Hành động này đã vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định trẻ em sống trong môi trường gia đình bạo lực khi lớn lên có xu hướng lặp lại khuôn mẫu bạo lực trong các mối quan hệ cá nhân và quan hệ gia đình.

    Cùng với đó, các vụ việc diễn ra đúng vào thời điểm Quốc hội đang tiến hành giám sát tối cao chuyên đề về phòng chống xâm hại trẻ em càng đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi gia đình phải quan tâm hơn nữa đến phòng chống xâm hại và bạo lực cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

    Hội LHPN Việt Nam cực lực lên án các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Hội đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật, có các biện pháp xử lý, các chế tài xử phạt phù hợp. Cạnh đó tiến hành ngay các biện pháp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phụ nữ và trẻ em, chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình để phụ nữ và trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chong-tung-cuoc-danh-vo-truoc-mat-con-mot-dang-bao-luc-tinh-than-nghiem-trong-doi-voi-tre-a290948.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan