(ĐSPL) - Bị tố vi phạm nghiêm trọng quyền cổ đông, Công ty CFC ngoài việc trả lời loanh quanh đã tìm cách "đá" trách nhiệm cho đơn vị chuyển phát. Đến đơn vị chuyển phát làm việc, phóng viên bị hành hung, cản trở tác nghiệp.
>> Vụ CFC bị kiện: Bó tay với bản thông báo tréo ngoe của toà
>> Công ty Tài chính Cổ phần xi măng bị tố vi phạm quyền cổ đông
CFC “đá” trách nhiệm cho đơn vị chuyển phát
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013, Công ty Tài chính cổ phần xi măng (CFC) bị tố tại toà vì lý do "vi phạm quyền cổ đông" theo quy định của luật doanh nghiệp. Trong đó, cổ đông của CFC là ông Hoàng Trung Âu cho rằng, Công ty đã vi phạm quyền cổ đông, vi phạm điều 38 Điều lệ Công ty và điều 100 Luật doanh nghiệp năm 2005 khi đã không gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông đến cho ông theo quy định.
|
Vụ CFC bị kiện: Phải chăng CFC đã cố tình tước quyền cổ đông?
|
Để trả lời cổ đông, Công ty CFC đã phát hành các văn bản mà theo phản ánh của ông Hoàng Trung Âu là rất không thoả đáng, "rất cùn". Cùng với đó, Công ty CFC cung cấp cho cổ đông 01 bản photocopy bill chuyển phát nhanh của Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài (đối tác chuyển phát của CFC - PV) và cho rằng như vậy là CFC “đã hoàn thành nghĩa vụ gửi giấy mời họp” đến cổ đông là ông Hoàng Trung Âu.
Theo phía CFC, như vậy có nghĩa là, việc ông Hoàng Trung Âu không nhận được giấy mời họp là lỗi của đơn vị chuyển phát (ở đây là Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài).
Công văn số 403/CFC-CV ngày 22/8/2013 của CFC có ghi, “việc chuyển thư đến cổ đông là trách nhiệm của đơn vị chuyển phát” và đề nghị ông Âu “liên hệ với đơn vị chuyển phát để làm rõ quá trình phát thư”.
Đối với nội dung này, Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo Điều 100 Luật Doanh nghiệp “Người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn. Thông báo được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông.”
Theo Luật sư Đặng Thành Chung, căn cứ vào nội dung điều luật này, nếu Điều lệ công ty không quy định khác chúng ta phải xét về 2 mặt trong việc mời họp.
Mặt thứ nhất, xét về phương thức mời họp Đại hội đồng cổ đông thì thông báo mời họp phải được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ thường trú của cổ đông.
Mặt thứ hai, xét về mục đích thì thông báo mời họp phải gửi đến được với tất cả các cổ đông để các cổ đông có thể dự họp, thực hiện quyền cổ đông của mình tại phiên họp. Như vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của điều luật này thì cần phải thực hiện cả 2 mặt trên.
“Đối với vụ tranh chấp, việc Công ty CFC mới chỉ đưa ra 01 bản photocopy bill chuyển phát nhanh để cho rằng đã chuyển giấy mời họp đến địa chỉ thường trú của ông Âu và như thế là đã hoàn thành nghĩa vụ mời họp, mà không căn cứ vào việc cổ đông đã nhận được giấy mời hay chưa là chưa tuân thủ đầy đủ Điều 100 Luật Doanh nghiệp” – Luật sư Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phía Công ty CFC mới chỉ đưa ra 01 bản bill chuyển phát nhanh được photocopy, ghi ngày 05/4/2013 mà cho rằng đã gửi Giấy mời họp đến địa chỉ thường trú của ông Âu cũng chưa đủ căn cứ.
Bởi việc này cần phải chờ Toà án căn cứ vào lời khai của các đương sự và các chứng cứ thu thập được để xác định ngày 05/4/2013 Công ty CFC có gửi tài liệu cho ông Âu hay không? Và nếu có gửi thì cần xác định tài liệu đó có phải là Giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông và các tài liệu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp hay không?
Qua những tình tiết như trên, có thể thấy những dấu hiệu chứng tỏ ông Hoàng Trung Âu bị xâm phạm quyền cổ đông. Vậy trách nhiệm thuộc về Công ty CFC hay Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài hay cả 2 công ty đều liên đới chịu trách nhiệm?
Hành hung nhà báo, cản trở tác nghiệp
Để trả lời một phần câu hỏi trên, vào hồi 10h23 phút ngày 17/3/2014, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ đến Công ty CFC qua số máy 04.62702127 đề nghị được làm việc với bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Tổng giám đốc CFC. Tuy nhiên, nhân viên lễ tân Công ty CFC cho biết, "sếp Hà đang bận họp, không thể tiếp xúc, trả lời nhà báo được".
Về đề nghị được cung cấp số điện thoại di động của Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hà để tiện liên hệ công tác, nhân viên của CFC cho biết "phải xin ý kiến Tổng giám đốc" mới có thể cung cấp và hứa sẽ liên hệ lại. Nhưng đến nay phái CFC vẫn chưa có hồi âm.
Trong khi đó, sau nhiều lần liên hệ bất thành qua số máy 04.6659.9708, sáng 17/3/2014, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tìm đến văn phòng Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài, có địa chỉ tại số 23LK18 – Khu đô thị mới Văn Khê - La Khê - Hà Đông - Hà Nội để đặt lịch làm việc.
|
Thông tin về Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài trên Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội.
|
Được sự phân công của Ban biên tập, hai phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã đến địa chỉ văn phòng công ty để liên hệ làm việc với người có thẩm quyền của Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài.
Thật bất ngờ, khi phóng viên trình bày hết sự việc, nhân viên của Công ty đã lăng mạ phóng viên và cho rằng: “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm với công ty CFC, không có trách nhiệm với ông Âu. Báo chí vớ vẩn, đừng làm phiền”.
Mặc dù bất ngờ trước thái độ của nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài, nhưng phóng viên chúng tôi vẫn hết sức bình tĩnh trình bày sự việc, xuất trình giấy giới thiệu, nêu rõ mục đích đến liên hệ công việc... Tuy nhiên nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài không những không nghe mà còn tỏ ra hung hăng hơn.
Một nhân viên (xưng là "người phụ trách văn phòng Công ty" - PV) nói: "Đừng mang báo chí ra đây, ra khỏi phòng ngay".
|
Người phụ nữ này xưng là "người phụ trách ở đây" (tức Văn phòng Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài) và là người "tích cực" nhất trong việc hành hung nhà báo, cản trở tác nghiệp (Ảnh cắt từ clip).
|
Trước những hành vi xử sự không đúng mực của nhân viên Công ty, phóng viên đã dùng điện thoại di động để ghi lại sự việc, ngay lập tức một nhân viên nữ xông vào hành hung nữ phóng viên của báo, 2 nữ nhân viên còn lại giật điện thoại của phóng viên.
"Côn đồ" hơn, nhân viên này còn gọi thêm 3 nhân viên nam (một trong số đó có tên là Văn - PV) đến uy hiếp phóng viên, đồng thời đe dọa: "Mày ra đường cẩn thận, tao không tha cho mày đâu..."?! Để an toàn cho bản thân, phóng viên đã phải xoá một số hình ảnh ghi được tại hiện trường trước mặt những nhân viên này.
Clip: Nhân viên Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài hành hung nhà báo, cản trở tác nghiệp:
Ngay sau khi thoát khỏi những nhân viên hung hãn của Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội bài, phóng viên Đời sống và Pháp luật đã đến trụ sở Công an Phường La Khê (Công an Quận Hà Đông) trình báo sự việc, đề nghị làm rõ...
|
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đang trình bày sự việc tại trụ sở Công an Phường La Khê - Hà Đông - Hà Nội sáng 17/3/2014.
|
Việc mời cổ đông thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông thông qua việc dự họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông thiết tưởng là việc hết sức bình thường. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, Công ty CFC đã đẩy sự việc đi theo một hướng khác, khiến sự việc trở nên căng thẳng. Rồi tiếp theo đó lại tìm cách “đá” trách nhiệm cho đối tác của mình?
Trong khi đó, nhân viên của đơn vị chuyển phát (Công ty Cổ phần Thương mại hàng không Nội Bài) thậm chí còn hung hãn hơn khi sừng sộ hành hung phóng viên, cản trở quá trình báo chí tác nghiệp, tìm hiểu thông tin sự việc? Phải chăng phía sau sự việc này còn có những "uẩn khúc" không thể nói ra?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.
Nhóm Phóng viên
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-cfc-bi-kien-tra-loi-loanh-quanh-hanh-hung-nha-bao-a25862.html