Đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện không có quy định nào về tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ nước ngoài.
Theo phản ánh của Tri thức trực tuyến, vừa qua, hành động ngừng nhập hàng may mặc từ các nhà cung cấp Việt của Central Group Việt Nam - Chủ sở hữu Big C khiến nhiều người lo ngại các mặt hàng của Việt Nam trong siêu thị do nước ngoài sở hữu có thể sẽ từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho sản phẩm ngoại nhập.
Trước vụ việc Big C, Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định cần có biện pháp để bảo vệ hàng Việt. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Thị trường trong nước cho biết, hiện không có quy định nào về tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị của nhà bán lẻ nước ngoài. Thay vào đó, trong quá trình cấp phép, Bộ Công Thương lại xem xét khả năng đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp và nhu cầu kinh tế địa phương.
Bộ cũng yêu cầu các nhà bán lẻ nước ngoài có trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, Chính phủ, các chương trình của các Bộ, ngành Việt Nam.
Đại diện Big C từng cam kết sẽ ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Dân trí |
Theo Pháp luật TP.HCM, năm 2016, khi tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, họ đã có lời cam kết sẽ ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Mới đây, tại Hội nghị và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, diễn vào tháng 11/2018 tại Hà Nội, Central Group Việt Nam đã giới thiệu các chương trình “Sinh kế Cộng đồng”, “Hỗ trợ Doanh Nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ”…. Và một lần nữa, tập đoàn nay cam kết ưu tiên sự có mặt hàng Việt tại hệ thống siêu thị Big C.
Chính vì vậy, đầu tháng 7, khi Central Group thông báo sẽ tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam, các doanh nghiệp may mặc Việt bất ngờ lâm vào cảnh điêu đứng.
Trong cuộc họp ba bên giữa Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và lãnh đạo siêu thị Big C vào sáng 4/7, tập đoàn Central Group cam kết trong 15 ngày tới sẽ mở lại đơn hàng cho các nhà cung cấp hàng dệt may.
Tuy nhiên, thông tin trên VnEconomy, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, 50 nhà cung cấp được mở là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hoá, kiểm tra lại xưởng sản xuất. Còn 50 nhà cung cấp còn lại, Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn.
Vũ Đậu(T/h)