Chuyện bà Vương Thị Th. (SN 1952, ngụ phường Ngô Quyền, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), bệnh nhân được thăm khám như nhau nhưng lại nhận 2 kết quả chẩn đoán khác nhau từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và viện Lão khoa Trung ương (T.Ư) mà PV báo Người Đưa Tin đã làm rõ và phản ánh thời gian qua khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề này.
PV:Thưa ông, kết quả khám chữa bệnh “vênh” nhau giữa tuyến T.Ư và địa phương khiến người bệnh hoang mang. Vậy, trách nhiệm của bác sĩ và ngành Y tế như thế nào?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Hiện nay, trình độ chuyên môn giữa các bác sĩ bệnh viện tuyến T.Ư và địa phương vẫn còn có sự chênh lệch tương đối lớn. Chính vì vậy, theo tâm lý, người dân thường thiếu tin tưởng bệnh viện tuyến dưới và muốn đi khám chữa ở bệnh viện tuyến trên. Điều này khiến các bệnh viện tuyến T.Ư quá tải.
Ngành Y tế cũng như Bộ trưởng cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, đẩy mạnh phương án để nâng cao trình độ bác sĩ ở tuyến địa phương, đầu tư trang thiết bị máy móc để mặt chuyên môn và cơ sở vật chất có sự đồng đều giữa địa phương và T.Ư.
Vấn đề này liên quan đến việc đào tạo. Không phủ nhận thành tựu chung của ngành y tế nhưng thầy giỏi mới có trò giỏi, trường giỏi mới đào tạo được sinh viên giỏi. Trường hợp ở Vĩnh Phúc không phải là hiếm gặp mà thực tế đã có rất nhiều. Khi những kết quả “vênh” nhau như vậy thì người dân là người “lãnh đủ”. Họ đã đánh cược tính mạng của mình ở nơi mà đáng ra, họ phải yên tâm vì được chăm sóc và cứu chữa.
Vừa qua, lãnh đạo BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc đã xin rút kinh nghiệm về vụ việc 2 bệnh viện chẩn đoán kết quả khác nhau. |
PV:Nhiều người cho rằng cách làm việc của các bác sĩ BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc là thiếu trách nhiệm và sự thiếu trách nhiệm đó đã gây ra những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đúng là như vậy. Kém chuyên môn có thể bồi dưỡng và đào tạo, nhưng đạo đức kém, ứng xử thiếu lương tri là không thể chấp nhận được. Điều này gây hậu quả vô cùng lớn. Khi bác sĩ chẩn đoán chưa đúng thì phải có trách nhiệm với người dân, phải nhận sai và rút kinh nghiệm. Không thể nói những lời thiếu trách nhiệm và vô cảm như vậy.
Chính sự ứng xử không đúng đắn, thiếu lương tâm và đạo đức nghề nghiệp đó là chất xúc tác tạo ra tâm lý bực bội và là nguồn cơn của những vụ xô xát giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ trong thời gian qua. Nếu đội ngũ y, bác sĩ cứ nói ra rả về lương y như từ mẫu nhưng hành động thì ngược lại như vậy thì người dân sẽ càng bức xúc hơn. Họ đang vô trách nhiệm với chính lương tâm, y đức của mình chứ không chỉ vô trách nhiệm với người bệnh.
Tôi cho rằng, với những y, bác sĩ không có nhận thức cơ bản về vai trò và trách nhiệm của chính mình trong việc cứu chữa cho bệnh nhân thì không xứng đáng đứng trong đội ngũ “lương y”.
PV:Theo ông, những ứng xử như vậy có cần phải chấn chỉnh ngay hay không?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi nghĩ rằng, ê - kíp y, bác sĩ ở tỉnh Vĩnh Phúc cần ngồi lại với nhau và rút kinh nghiệm trong chuyên môn một cách sâu sắc. Bên cạnh đó, vấn đề y đức cần chấn chỉnh ngay, nhất là xin lỗi bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Không có sự cầu thị, sửa sai nào bị đánh giá thấp. Thừa nhận những gì mình chưa làm được cũng là cách để tiến bộ. Còn nếu cố chấp, bảo vệ lý lẽ sai trái thì không bao giờ phát triển được.
Đây chỉ là một trường hợp chẩn đoán sai bệnh và chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng nếu như bệnh nặng, người bệnh có thể không giữ được mạng sống thì mọi sự khắc phục sẽ là vô nghĩa. Bởi thế, điều quan trọng chính là bản thân người bác sĩ phải thấy được trách nhiệm của mình, không nên khiến người bệnh hoang mang thêm.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nói: "Lương tâm và trách nhiệm của y, bác sĩ là phải phát hiện đúng bệnh và chữa lành bệnh cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình chữa trị, có sự “vênh” nhau giữa các kết quả khám bệnh ở tuyến T.Ư và địa phương. Theo tôi, đó cũng là điều bình thường. Thế nên mới có tuyến T.Ư và địa phương. Ở tuyến T.ư, ngoài máy móc, thiết bị hiện đại hơn, trình độ của bác sĩ cũng cao hơn.
Vấn đề ở chỗ làm thế nào để luân chuyển cán bộ từ T.Ư về địa phương để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương lên, trang bị máy móc ở địa phương cũng như T.Ư, phát huy vai trò trách nhiệm của địa phương, hạn chế sai sót. Nếu bác sĩ ở bệnh viện địa phương trả lời người bệnh như thế là không đúng và cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay. Việc xin lỗi người bệnh sẽ càng tăng thêm uy tín và giữ được hình ảnh cho bác sĩ".
Dương Thu