Liên quan đến vụ việc em Vũ Văn Tuấn K. (học sinh lớp 7, trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội ) bị nhiều bạn đánh hội đồng dẫn đến rối loạn phân ly, sang chấn tâm lý, nhiều học sinh tham gia đánh em K., cho biết vô cùng hối hận vì hành động của bản thân.
Nói về nguyên nhân “ra tay” với bạn học của mình, em Kiều An Đ. (học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng), người đầu tiên lao vào đánh K., chia sẻ, trong một lần cả nhóm đi chơi do K. có đánh em trai ruột của Đ. nên nam sinh này sinh “thù hận” nên đã đánh K. Thấy Đ. đánh K. cả nhóm cũng lao vào tấn công khiến K. phải ôm người đau đớn.
Bắt đầu từ đó, mỗi lần thấy K., ở đâu cả nhóm sẽ lao vào đánh K. vì ghét. “Em học võ Karate nên có dùng động tác trong môn võ này để đá K.”, em Đ kể.
Qua nhiều tháng, sự việc bị phát hiện, nhóm em Đ., đã cùng nhau đến nhà K., để xin lỗi. Tuy nhiên, lúc này người bạn của nhóm đã được điều trị tại bệnh viện.
“Chúng em rất hối hận và biết hành vi của mình là sai nên hiện tại rất sợ. Khi đánh K., em cũng không nghĩ được những hành động của mình lại gây ra lỗi lầm như thế, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn ấy như vậy”, Đ., phân trần.
Cùng "chung tay góp sức" tham gia đánh em K., em Khuất Duy Ph., nam sinh cùng lớp với K. cho biết, đã tham gia hành hung bạn mình 3 lần, cả 3 lần này K. đều không đánh trả mà đứng im chịu trận.
Ph., kể, lần thứ nhất vào năm lớp 6, K. đi câu cá cùng nam sinh ở ao, sau đó, K., đánh đổ xô có cá, nước trong xô làm ướt áo PH., nên cả hai cãi nhau, sau đó PH., đã đánh K.
Lần thứ 2 là lúc nghỉ hè, PH., nghe bạn trong lớp bảo K. chửi bố nam sinh nên Ph., đã tìm K. đánh.
Lần thứ 3, K. dùng đá và xi măng đổ vào người Ph. nên em đã đánh K. vì tức giận.
Giống như Đ., Ph. và các học sinh khác đều rất hối hận khi nhận thức được sự việc. Cả nhóm hứa sau này sẽ chăm chỉ học tập và không tái phạm.
Nhà trường sẽ có trách nhiệm
Trao đổi về tình hình sức khoẻ của em K., ông Đỗ Công Dực, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng cho biết, hiện em K. vẫn chưa có nhiều tiến triển. Nhà trường vẫn thường xuyên đến tận nhà hỏi thăm tình hình sức khỏe học sinh.
"K. có dáng người nhỏ nhắn, lại hiền lành, nhút nhát, không thực sự nhanh nhẹn, hoạt bát như các bạn cùng trang lứa nên rất dễ trở thành đối tượng để các bạn trêu đùa, bắt nạt. Trước đó, giáo viên và học sinh trong trường có 1 lần phát hiện K. bị bạn hành hung tại trường. Còn clip em K. bị đánh xuất hiện trên mạng được các bạn hành hung và trực tiếp quay lại xảy ra ở nhà văn hoá thôn trong dịp nghỉ hè", ông Dực chia sẻ.
Vị hiệu trường cho biết, ngay sau khi biết được thông tin, nhà trường đã gọi tất cả các gia đình lên, bàn hướng giải quyết. Nhà trường rất khổ tâm khi sự việc xảy ra. Bây giờ nhà trường cũng cố gắng làm sao để các gia đình có con tham gia đánh cùng hợp tác để chia sẻ và ổn định tâm lý cho K.
Đồng thời áp dụng các biện pháp giáo dục các bạn khác để không xảy ra trường hợp này thêm một lần nữa. Bởi điểm xuất phát của giáo dục là học sinh mà mục đích cuối cùng thì vẫn là học sinh.
"Với sự việc đã xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng và nặng nề như hiện nay, không đơn giản chỉ là các em đánh nhau một trận thông thường, nên chúng ta phải đối diện, nhìn thẳng vào thực tế và cùng tìm hướng xử lý. Cho dù trẻ bị đánh ở trong hay ngoài trường, nhưng đó là học trò của mình nên mình vẫn phải quan tâm và phải có một phần trách nhiệm.
Sự việc có trách nhiệm của hiệu trưởng, trách nhiệm của thầy cô và phụ huynh. Có thể bố mẹ quản lý chưa tốt, thầy cô giáo dục chưa nghiêm nên mới xảy ra như vậy. Chúng tôi cũng kêu gọi các giáo viên trong nhà trường và phụ huynh cùng cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ gia đình điều trị cho K. sớm bình phục. Nhà trường cũng sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp với các học sinh đánh bạn", ông Dực nói.
Vị hiệu trưởng thông tin thêm, ngày 16/9, khi em K. bị đánh tại trường, nhà trường phát hiện ra thì ngay lập tức gọi các gia đình đến. Các gia đình nhất trí hòa giải, nhận lời xin lỗi, các em viết bản kiểm điểm, cam kết không tái phạm.
Nhưng sau đó được biết, trước đó nhiều khi em K. có những biểu hiện bất thường, hoảng sợ và không muốn đi học nhưng có thể bố mẹ không để ý. Ngay cả giáo viên cũng không phát hiện ra vì em không có nhiều biểu hiện rõ rệt.
“Ban đầu, các gia đình thống nhất cho K. đi điều trị tâm lý, chi phí hết bao nhiêu sẽ cùng chịu trách nhiệm. Nhưng rất may có một trung tâm điều trị tâm lý nhận hỗ trợ điều trị miễn phí cho em. Các gia đình cũng đề xuất rằng sẽ hỗ trợ xăng xe đi lại, ăn ở và bồi dưỡng sức khỏe cho em”, ông Dực nói thêm.
Chia sẻ về hoàn cảnh học sinh K., ông Dực cho hay, bố mẹ em K. là lao động tự do, kinh tế gia đình khó khăn, lại có hai chị gái học cao đẳng, đại học nên bố mẹ bận rộn, ít có thời gian quan tâm đến các con.
Mộc Trà