+Aa-
    Zalo

    Vụ bé trai bị xích cổ: Không đồng ý việc sử dụng bạo lực để dạy con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến việc Phan Văn S. (SN 2003) lang thang trên đường với cổ bị khóa dây xích, được biết, do với bản tính ngỗ nghịch, hay đánh bạn nên bé trai này bị bố răn dạy

    (ĐSPL) - Liên quan đến việc cậu bé Phan Văn S. (SN 2003) lang thang trên đường với cổ bị khóa dây xích, được biết do với bản tính ngỗ nghịch, hay đánh bạn nên bé trai này đã thường bị bố “xích cổ” để răn dạy.

    Trước đó, tin tức từ anh Phạm Văn Hải, Trưởng Công an xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, vào khoảng 16h ngày 14/8, đơn vị nhận được thông tin có một bé trai (tầm hơn 10 tuổi) đi lang thang ngoài đường với nhiều biểu hiện hoảng loạn tinh thần, trên cổ cháu bé bị ổ khóa cùng dây xích lớn còng chặt lại.

    Ngay lập tức, Công an xã Nghi Phương đưa cháu bé về trụ sở. Tại đây, thấy người lạ, cháu bé có biểu hiện tâm lý sợ sệt, không nói năng gì, ngoài cho biết nhà mình ở gần Lào. Qua kiểm tra, các công an viên phá hiện trên người cháu này có rất nhiều vết bầm dập. UBND xã Nghi Phương đã cử cán bộ mua quần áo, đồ ăn, sau đó phá xích cho cháu, đồng thời báo cáo sự việc lên Phòng Lao động, thương binh & xã hội huyện Nghi Lộc.

    Đến khoảng 20h cùng ngày, cháu bé này mới bắt đầu tiết lộ thông tin về gia đình mình. Theo đó được biết, cháu tên là Phan Văn S. (SN 2003), có bố là Phan Văn Đ. (SN 1967), trú tại xã Nghi Văn (cách xã Nghi Phương 6km), huyện Nghi Lộc. Đến sáng 15/8, em này đã được gia đình đón về.

    Qua quá trình tìm hiểu được biết, thường ngày, S.  là một cậu bé ngỗ nghịch, hay đánh bạn bè... Các vết bầm tím trên người S. được cho là do  những người bảo vệ tại nhà thờ  đánh để ngăn em này gây gổ với bạn ở nhà thờ (S. được cho đi học xưng tội tại nhà thờ của xã - PV). Khi biết được sự việc này, bố em do quá nóng giận nên đã xích em lại.

    Được biết trước đó nhiều lần, S. từng bị bố ‘răn dạy’ theo cách này  bởi bản tính lì lợm. Mặc dù sau mỗi lần như thế, S. có ngoan hơn nhưng được một thời gian, đâu lại vào đấy, không lo học hành mà thường xuyên gây chuyện.

    Phan Văn S. (SN 2003) từng bị bố đánh nhiều lần do bản tính ngỗ nghịch và hay gây gổ

    Theo đó, S.  là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Hiện,  5 người con của anh Đ. đều sinh sống và làm việc ở Lào. Vợ cũng xa quê, sang Lào làm ăn nên hiện ở nhà chỉ còn lại anh Đ. và 2 đứa con sau.

    Cũng vì hoàn cảnh mẹ đi làm ăn xa hàng năm trời, thiếu thốn tình cảm và bàn tay chăm sóc của người mẹ nên S. đã sinh ra những tật xấu và “trượt dốc” dần.  Trong việc chăm sóc và dạy dỗ con, anh Đ. không có sự uốn nắn nhẹ nhàng và ít tâm lý nên thường dùng bạo lực là phần nhiều dẫn đến S. luôn trong tình trạng cảnh giác, chống đối lại bố. Năm học này, nếu đúng độ tuổi, lẽ ra S. sẽ vào học lớp 6 nhưng do chểnh mảng việc học hành ở năm lớp 5 nên em đã không đủ điều kiện thi cử.

    Cũng từ đó, S. sinh ra chán nản và em bắt đầu nghỉ học hẳn, không tới lớp nữa và chủ yếu ở nhà đi chăn trâu bò. Việc em khai nhận với những cán bộ ở UBND xã Nghi Phương nhà mình ở Lào có thể là do cách đây một tháng, S. có sang Lào ở với mẹ và các anh chị.

    Ông Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng công an xã Nghi Văn thông tin, ở địa phương, S. là đứa trẻ nghịch ngợm, hay đánh bạn bè và thường gây rối. Tuy nhiên chính quyền đã bày tỏ việc không đồng tình với cách dạy con như cách anh Đ. vẫn thường làm. “Sau sự việc này, đại diện chính quyền đã tới thăm gia đình, khuyên nhủ cháu S. cần sửa đổi tính cách và chăm chỉ học hành. Riêng về anh Đ., chúng tôi cũng yêu cầu anh này không được sử dụng bạo lực dạy con như vậy nữa”, ông Quang cho biết thêm.

    Tin nhanh từ anh Nguyễn Văn Hoạt, công an thường trực của Công an xã Nghi Văn cho biết: “Cách đây 5, 6 tháng, S. có lùa trâu bò sang Đô Lương bán nhưng là do còn nhỏ, không hiểu chuyện nên bị một số thanh niên trong xóm dụ dỗ và hứa cho 200.000 đồng. Khi lên tới Đô Lương thì bị Công an huyện Đô Lương bắt được. Người trực tiếp bảo S. lùa trâu trộm được đi bán hiện đã vào trại cải tạo.

     Anh Hoạt cũng cho hay, chỉ khi anh này lên Đô Lương và nhẹ nhàng khuyên bảo thì S. mới chịu khai ra hết sự việc.

    Sự việc xảy ra cũng là hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về việc xử sự, giáo dục con trẻ trong phạm vi gia đình. Việc sử dụng hành vi bạo lực để răn dạy những đứa trẻ có thể rất khó để mang lại kết quả mà còn thêm vào đó những dư chấn về mặt tâm lý, tổn thương tinh thần. Từ đó, trẻ dễ nảy sinh tâm lý chống đối, lừa dối để bảo vệ mình mà sâu xa hơn có thể còn dẫn đến những sự việc khó lường khác.  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-be-trai-bi-xich-co-khong-dong-y-viec-su-dung-bao-luc-de-day-con-a106470.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.