Hiện phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Cẩm Mỹ đang truy bắt Vi Thái Thiện (ngụ huyện Xuân Lộc) - nghi can sát hại cháu K. 10 tuổi ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ.
Kết quả điều tra ban đầu, Vi Thái Thiện từng có quan hệ tình cảm với mẹ cháu K. Chiều 12/2, nghi can dụ dỗ bé K. lên xe máy rồi chở đi.
Sau đó, Vi Thái Thiện đã chở cháu K. vào một trại chăn nuôi bỏ hoang ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai rồi sát hại. Sau khi gây án, Thiện bỏ trốn khỏi hiện trường.
Bước đầu, cơ quan công an nhận định nguyên nhân vụ án xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm giữa nghi can và mẹ nạn nhân.
Hình ảnh nghi phạm chở bé K. được camera an ninh ghi lại. Ảnh: Công Lý |
Về góc độ pháp lý liên quan đến vụ việc trên, trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm- Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo luật sư Thơm, cháu bé 10 tuổi không có lỗi trong việc mâu thuẫn tình cảm giữa đối tượng và mẹ cháu mà lại bị nghi phạm dụ dỗ bé trai lên xe máy chở đi rồi sát hại dã man, tàn bạo. Dù có mâu thuẫn nào với mẹ cháu bé như nào mà đối tượng vô cớ sát hại cháu bé đều là hành vi mất nhân tính và không thể biện minh trước sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Luật sư Thơm cho hay, hành vi phạm tội của nghi phạm thể hiện sự côn đồ hung hãn, không còn tính người, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước bất bình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội Giết người theo điểm b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 với tình tiết định khung cơ bản là giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ. Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, dù cho xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào thì việc ra tay sát hại một cháu bé 10 tuổi cũng là quá tàn nhẫn, đê hèn, không thể biện minh bởi bất cứ lý do nào.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp |
"Hành vi này hành vi nguy hiểm cho xã hội, khiến dư luận bất bình, gây tang thương cho gia đình nạn nhân nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Hành vi của đối tượng này có thể bị áp dụng nhiều tình tiết định khung và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như “vì động cơ đê hèn” “phạm tội với người dưới 16 tuổi”...Bởi vậy bức hình phạt đối với đối tượng này sẽ hết sức nghiêm khắc theo quy định tại khoản 1, điều 123 Bộ luật hình sự về tội giết người", luật sư Cường cho hay.
Theo luật sư Cường, bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, nghi can cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015, bao gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng; một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định,..
Cơ quan điều tra sẽ truy bắt đối tượng này, khi bắt được sẽ tích cực đấu tranh với đối tượng để làm rõ nguyên nhân, động cơ gây án đồng thời thu thập các tài liệu chứng cứ để củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án giết người, khởi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mà chưa bắt được đối tượng, đối tượng này chưa đầu thú thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và tiến hành lệnh truy nã, sau khi có lệnh truy nã thì bất cứ ai cũng có thể bắt giữ đối tượng này để giao nộp cho cơ quan công an xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Trong trường hợp đối tượng này đầu thú, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, bồi thường khắc phục hậu quả thì đó là những tình tiết có thể giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Điều 123. Tội giết người 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. |
Hoàng Yên