Tại cơ quan điều tra, Cảnh khai đang ngồi uống rượu thì nghĩ đến những bị mẹ mắng, nên đối tượng cầm con dao xuống nhà sát hạn nạn nhân.
Liên quan đến vụ "nghịch tử" sát hại mẹ, chém cha trọng thương ở Mê Linh (Hà Nội), cơ quan công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Cảnh (SN 1993, trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) về tội “Giết người”.
Kết quả điều tra ban đầu, khoảng 17h40 ngày 6/2, tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, bà Nguyễn Thị Bình (mẹ của Cảnh) đang ngồi nhặt hoa ở sân để sáng hôm sau mang đi bán thì bị Cảnh đi từ tầng 2 xuống cầm theo dao chém tử vong.
Cảnh tại cơ quan công an. Ảnh: Vietnamnet |
Bố của Cảnh là ông Nguyễn Văn Thanh chạy ra can ngăn cũng bị đối tượng đâm bị thương nặng. Thấy anh trai chém bố mẹ, Nguyễn Văn Sinh (23 tuổi) cầm dao trong nhà chạy ra chém Cảnh (khiến đối tượng bị thương ở miệng, tai).
Bị em truy đuổi, Cảnh chạy ra cổng, ông Thanh chạy theo hô hoán kêu cứu. Cảnh tiếp tục chém bà Vang (hàng xóm) bị thương.
Sau khi gây án, Cảnh quay lại nhà lấy chiếc xe máy Honda Wave bỏ trốn khỏi hiện trường.
Chiều ngày 7/2, Cảnh bị cơ quan công an bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Cảnh khai nhận do mâu thuẫn gia đình, mẹ hay mắng nên Cảnh không bằng lòng. Chiều ngày 6/2, Cảnh đi mua một chai rượu về uống ở tầng 2. Nghĩ lại những lúc bị mẹ mắng, Cảnh lấy con dao mua sẵn để ở giường cầm xuống chém bà Bình...
Liên quan đến vụ án, hiện công an đã đưa Cảnh đi giám định tâm thần để điều tra làm rõ vụ việc.
Trả lời PV báo Đời sống Pháp luật, luật sư Việt Vương (Công ty Luật AMI) cho hay, nếu kết quả giám định cho thấy nghi can có dấu hiệu trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng một trong những biện pháp sau: Nếu trong trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, nếu có cơ sở để xác định, chứng minh được nghi can mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì nghi can không phải chịu trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp chữa bệnh theo quy định tại Điều 21, Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm, nghi can có đủ năng lực hành vi, không có hạn chế thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nếu trong quá trình giải quyết, trước khi bị kết án mà đối tượng mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với người hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi: Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Hoàng Yên (T/h)