Huy động lực lượng tinh nhuệ nhất
Giữa năm 2024, các trinh sát Công an quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội lần ra manh mối về đường dây lừa đảo đầu tư tài chính có quy mô cực lớn trên không gian mạng. Ngay sau đó, Đại tá Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy đã báo cáo lãnh đạo Công an TP.Hà Nội và thành lập tổ đặc biệt giao cho Đội CSHS chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác đấu tranh, triệt phá.
Lúc này, 1 tổ gồm 12 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ nhất của Công an quận Cầu Giấy được huy động khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ. Mọi hoạt động đều được đảm bảo bí mật tuyệt đối, không 1 chút sai sót.
Cũng theo lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy, trong quá trình điều tra vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, đây là một ổ nhóm tội phạm lừa đảo có quy mô lớn, với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, chuyên nghiệp, được phân công, phân cấp chặt chẽ; hoạt động phạm tội diễn ra chủ yếu trên không gian mạng. Chính vì vậy, việc tiếp cận, bám sát và làm rõ vai trò của từng đối tượng gặp rất nhiều cản trở.
Đồng thời, các đối tượng cầm đầu bố trí văn phòng chi nhánh ở những khu vực trung tâm, có bảo vệ, an ninh tòa nhà giám sát, lắp camera và cho người canh gác ở cửa nhằm cảnh giới và ứng phó khi cơ quan chức năng phát hiện. Mọi thao tác điều tra của các chiến sĩ phải đảm bảo sự khẩn trương và cẩn trọng tuyệt đối.
Không chỉ vậy, trên không gian mạng các đối tượng sử dụng phương thức ẩn danh nên không thể biết được danh tính thực. Nhóm đối tượng cũng không thường xuyên ở Việt Nam, do vậy quá trình điều tra phải hết sức khéo léo, bí mật và nhạy bén, không để lộ thông tin. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật nghiệp vụ, biện pháp đặc biệt, chuyên môn và quyết tâm cao của lực lượng Công an, Ban chuyên án đã trinh sát làm rõ được danh tính cụ thể của từng đối tượng.
Theo đó, cơ quan công an đã làm rõ, từ khoảng năm 2019, Phó Đức Nam cùng với Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter; 34 tuổi, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cấu kết với một nhóm đối tượng người nước ngoài để tổ chức lừa đảo trên nền tảng hệ thống các trang web, đường link sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp. Nhóm này chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty "ma", đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Các đối tượng đặt một công ty tại TP.HCM làm bình phong và khoảng 44 văn phòng tại Việt Nam (gồm 24 văn phòng ở Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác). Công ty này không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Mỗi ngày, khoảng 1.000 nhân viên làm việc từ 8-21h. Các đối tượng tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Những trang mạng này về bản chất đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý. Mỗi sàn giao dịch đều kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Các đối tượng tuyển và phân công, phân cấp quản lý nhân viên trong công ty thành nhiều bộ phận (gồm kế toán, nhân sự, IT, kinh doanh và chăm sóc khách hàng...). Các bộ phận này hoạt động bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua Zalo, Telegram... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của đường dây này là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Ban đầu, Nam và đồng phạm dụ dỗ khách giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi rồi rút tiền được.
Sau đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch. Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật để họ tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Cho đến khi khách không còn khả năng về tài chính, nhóm lừa đảo chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Nhiều bị hại bị lừa không tin mình bị lừa
Theo Công an quận Cầu Giấy, số tài sản thu giữ hiện nay không dừng lại ở con số 5.200 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, thu hồi tài sản và làm rõ các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm và xác minh các bị hại trong vụ án, cơ quan điều tra còn gặp rất nhiều khó khăn do các bị hại nghĩ đây là những sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không hợp tác, trình báo, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng cho cơ quan điều tra.
Dựa theo dữ liệu xác minh thu thập được trên hệ thống của các đối tượng lừa đảo, các cán bộ trực tiếp liên hệ với với một số bị hại để xác minh. Tuy nhiên, rất nhiều bị hại cho rằng đây là kẻ lừa mạo danh dụ dỗ lấy lại tiền để lừa đảo hoặc không tin mình có thể là bị hại của Phó Đức Nam và đồng bọn.
Theo cơ quan công an, trong số các bị hại của đường dây lừa đảo này thường có tư tưởng nghĩ đây là đầu tư được - thua nên khi trình báo sẽ bị xử lý về hành vi đánh bạc, do đó không trình báo. Tuy nhiên, đối với các trường hợp bị lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm căn cứ trả lại tiền cho bị hại.
Cơ quan điều tra yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khẩn trương ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Đồng thời, nhà chức trách đề nghị những người là bị hại cần trình báo với Phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại: 0886.882.338).