+Aa-
    Zalo

    Vụ "bảo kê" hỏa táng người chết: Vợ Đường "Nhuệ" thay đổi lời khai, nói bị dụ cung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quá trình điều tra bổ sung vụ bảo kê dịch vụ hỏa táng, Nguyễn Thị Dương - vợ Đường "Nhuệ" - thay đổi lời khai, cho rằng bị dụ cung...

    Quá trình điều tra bổ sung vụ bảo kê dịch vụ hỏa táng, Nguyễn Thị Dương - vợ Đường "Nhuệ" - thay đổi lời khai, cho rằng bị dụ cung...

    Vợ chồng Đường "Nhuệ"

    Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình mới đây đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") cùng đồng phạm về tội Cưỡng đoạt tài sản.

    Trước đó, VKSND tỉnh Thái Bình đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì Nguyễn Thị Dương (vợ Đường "Nhuệ") và một số bị can không đồng tình với bản kết luận điều tra trước đó, đồng thời thay đổi toàn bộ lời khai.

    Tri thức trực tuyến dẫn kết luận điều tra của cơ quan điều tra cho biết, trong giai đoạn truy tố, điều tra bổ sung, Nguyễn Thị Dương đã thay đổi lời khai.

    Bị can khai do bị dụ cung nên khai bản thân ý thức được Đường sẽ dùng những bản hợp đồng có chữ ký, đóng dấu của Dương để áp đặt các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại Thái Bình. Sau đó, Dương khai không biết Đường dùng hợp đồng để làm gì và luôn khuyên chồng không sử dụng hợp đồng vào việc vi phạm pháp luật.

    Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho biết trong suốt quá trình điều tra, sức khỏe của Dương luôn ổn định. Dương làm việc với cơ quan điều tra mà không bị ai ép buộc, đánh đập. Những lời khai, bản cung của Dương đều được đọc lại, viết tự khai và ký xác nhận.

    Ngoài ra, công an đánh giá Dương là Giám đốc Công ty Đường Dương nên bị can phải nhận thức đầy đủ về các hành động của Nguyễn Xuân Đường.

    Do đó, cơ quan điều tra bác bỏ việc thay đổi lời khai của Dương và kết luận Dương là đồng phạm với Đường với tư cách người giúp sức.

    Cũng trong quá tình điều tra bổ sung, Quách Việt Cường (người thay thế Lợi đứng ra thu tiền hỏa táng) đã làm đơn kêu oan. Bị can cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo, không biết cách thức hoạt động như thế nào và chỉ đi cầm tiền về cho Nguyễn Xuân Đường.

    Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu điều tra, công an kết luận Cường đồng phạm với Đường trong vụ án. Số tiền bị can thu về cho Đường là hơn 288 triệu đồng.

    Trong quá trình điều tra, Lợi, Nin và Úy thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên cơ quan điều tra đánh giá các bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Còn Đường, Dương và Cường không thành khẩn, bao che đồng phạm nên không được hưởng tình tiết này.

    Ăn chặn gần 2,5 tỷ đồng

    Theo Thanh Niên, Cơ quan điều tra xác định, bằng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa các đơn vị dịch vụ, công ty tang lễ tại địa bàn tỉnh Thái Bình, Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn đã ăn chặn số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

    Cụ thể, khoảng cuối năm 2017, anh Bùi Văn Minh (trú TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có nhu cầu mở dịch vụ tang lễ nên đã đến gặp gỡ và nhờ Nguyễn Xuân Đường “giúp đỡ”. Lúc này, Đường mới biết và bắt đầu quan tâm đến hoạt động dịch vụ hỏa táng tại tỉnh Thái Bình.

    Cũng tại thời điểm đó, các dịch vụ tang lễ tại Thái Bình hoạt động không tôn trọng quy định, dẫn đến tình trạng làm dịch vụ lấn chiếm địa bàn, tranh giành nhau làm dịch vụ hỏa táng, gây mất an ninh trật tự.

    Trước tình trạng này, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long (đơn vị sở hữu Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình tại tỉnh Nam Định), đã ngỏ ý nhờ Đường "Nhuệ" đứng ra hợp tác cùng Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thành Phát, làm đại lý độc quyền dịch vụ hỏa táng ở Thái Bình cho Công ty Hoàng Long thực hiện hoả táng ở Nam Định (vì hiện ở Thái Bình chưa có), để ổn định tình hình, giải quyết các xung đột giữa những đơn vị làm dịch vụ tang lễ.

    Đến đầu tháng 12/2017, bằng nhiều thủ đoạn, Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát phải ngừng hoạt động ở Thái Bình.

    Sau đó, Đường cùng với Ninh Đức Lợi tìm cách thâu tóm hoạt động hỏa táng ở địa bàn bằng cách tự xưng là “Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình" (đã được các công ty dịch vụ tang lễ tại Thái Bình thành lập từ trước nhưng không xin phép chính quyền để được công nhận chính thức).

    Với "quân số" áp đảo và sẵn sàng hành hung, đe dọa, nhóm của Đường "Nhuệ" đã buộc các công ty hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải chấp nhận các quy định mình đặt ra. Do sợ bị trả thù, các công ty này không dám tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm của Đường và đồng bọn.

    Đường đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ, và đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hỏa táng, buộc các dịch vụ hỏa táng phải nộp 500.000 đồng/ca. Dịch vụ nào muốn tham gia "hiệp hội" đều phải xin phép Đường hoặc Ninh Đức Lợi.

    Khi có đơn vị dịch vụ tang lễ nào trên địa bàn và những đơn vị ở nơi khác tự ý vào nhận đám, Đường "Nhuệ" chỉ đạo Lợi hoặc đàn em xử lý bằng cách chặn xe, đánh người, gây cản trở đám tang...

    Bằng các thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, nhóm của Nguyễn Xuân Đường được xác định đã chiếm đoạt của 25 bị hại, với tổng số tiền 2,469 tỷ đồng.

    Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, từ ngày 22/4 đến cuối tháng 9/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản của Nguyễn Xuân Đường cùng các đồng phạm có liên quan.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bao-ke-hoa-tang-nguoi-chet-vo-duong-nhue-thay-doi-loi-khai-noi-bi-du-cung-a355197.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan