+Aa-
    Zalo

    Thượng tướng Lê Quý Vương nói về vụ Đường "Nhuệ", Loan "cá", Phú Lê

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại một số địa phương có thời điểm một số băng, nhóm hoạt động trong một thời gian dài mới được phát hiện như băng nhóm "Đường "Nhuệ", vợ chồng Loan “cá”, vợ chồng Phú Lê

    Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, tội phạm có tổ chức được kiềm chế, tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm một số băng, nhóm hoạt động trong một thời gian dài mới được phát hiện như băng nhóm "Đường "Nhuệ", vợ chồng Loan “cá”, vợ chồng Phú Lê.

    Thứ trưởng bộ Công an Lê Quý Vương - Ảnh: VNN

    Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra sáng nay (7/1).

    Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo 138/CP cho biết, năm 2020, xảy ra hơn 42.900 vụ vi phạm trật tự xã hội, giảm 6,8% so với năm 2019. Tội phạm tuy giảm về số vụ, nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là tội phạm giết người, chủ yếu do mâu thuẫn trong sinh hoạt, mâu thuẫn tình ái, giết người thân còn xảy ra nhiều với tính chất, mức độ nguy hiểm.

    Tội phạm có tổ chức được kiềm chế, tuy nhiên, tại một số địa phưong có thời điểm một số băng, nhóm hoạt động trong một thời gian dài mới được phát hiện, điển hình như băng nhóm Xuân Đường tại Thái Bình, vợ chồng Lý Thị Loan (Loan “cá”) tại Đồng Nai, băng nhóm vợ chồng Lê Văn Phú (Phú Lê) tại Hà Nội.

    Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) với 236 vụ chống lại lực lượng Công an, tăng 136%.

    Tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế nổi lên là hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gia tăng tại các thành phố lớn và trung tâm kinh tế; thủ đoạn là giả danh cán bộ cơ quan pháp luật để lừa đảo, sử dụng công nghệ cao để huy động vốn đa cấp, tiền ảo… Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không. Điển hình là vụ buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán, đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường (Hà Nội); buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu xảy ra tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); buôn lậu 51 kg vàng xảy ra tại An Giang.

    Theo thượng tướng Lê Quý Vương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã phát sinh một số loại tội phạm như đầu cơ, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch (điển hình là các vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai); lợi dụng chủ trương xã hội hóa trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công để trục lợi; buôn lậu, đầu cơ làm giả các mặt hàng phòng, chống dịch.

    Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ diễn ra phức tạp và đa dạng hơn ở hầu hết ngành, lĩnh vực, địa bàn; tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết các thủ tục hành chính vẫn tồn tại…

    Báo cáo của Bộ Công an cho thấy các lực lượng chức năng đã triệt phá 1.860 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trấn áp mạnh và đẩy lùi tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cùng với đó, các lực lượng đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 5.383 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý 20.550 vụ phạm tội về kinh tế; 277 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-tuong-le-quy-vuong-noi-ve-vu-duong-nhue-loan-ca-phu-le-a351921.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan