(ĐSPL) - Tiền mất đi có thể làm lại, nhưng nỗi đau về tinh thần và sự tổn hại về sức khỏe thì không gì có thể bù đắp với 15 gia đình của bị can trong vụ cướp huê gây chấn động dư luận hai năm qua.
Người vợ đang mắc trọng bệnh, nghe tin chồng bị bắt vì tội cướp gỗ huê, sức lực cuối cùng còn lại để đấu tranh với bệnh tật chị đem hết vào lo cho chồng, giờ người đàn bà ấy nằm liệt một chỗ chờ chết. Có một người mẹ nghe tin con bị bắt, bệnh tình bỗng trở nặng, giờ cũng đang như ngọn đèn leo lắt trước gió. Những đứa con mỗi khi lên lớp luôn chịu lời thị phi của bạn bè: "Mày là con của tên ăn cướp huê", không muốn bước chân tới trường...
|
Vụ án bắt đầu, từ sau khi 3 cây huê ở Hung Trí "biến mất". |
Từ mong ước được đổi phận từ sưa đỏ...
Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Văn Hiệu, 1 trong 15 bị can bị CQĐT khởi tố trong vụ án "cướp gỗ huê". Tiếp chuyện với chúng tôi là người đàn ông to cao, vạm vỡ mang đầy đủ đặc điểm của những người đi tìm "lộc rừng". Tuy nhiên, trong đôi mắt và khuôn mặt của anh lại bao trùm những suy tư, trăn trở trước con sóng lớn của cuộc đời.
Như được người trút bầu tâm sự, Hiệu kể cho chúng tôi nghe ngọn nguồn của câu chuyện: Vào năm 2012, Hiệu và mọi người trong nhóm nghe tin một nhóm sơn tràng tìm được ba cây gỗ sưa đỏ (tên thường gọi là huê) có giá trị hàng trăm tỉ đồng được phát hiện tại khu vực Hung Trí thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. "Lúc đó, hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn khi mẹ đang bị bệnh, vợ mới đi học nâng cao và ba đứa con gái đang nhỏ. Tôi cùng vợ bàn bạc vay tiền, xin vào một chân mua huê bán kiếm lời, lấy tiền chăm sóc mẹ và nuôi các con", Hiệu giãi bày lí do đi buôn gỗ của mình.
Cùng hoàn cảnh với anh Hiệu còn có Nguyễn Văn Tiến (SN 1980). Khi đó, vợ của Tiến đang mắc rất nhiều căn bệnh nan y như suy hô hấp, thoái hóa khớp, xoang nặng... cần một khoản tiền rất lớn để chữa trị, còn mẹ thì bị tai biến, tiền sử huyết áp. Mọi gánh nặng, sự sống của hai người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời đè nặng lên đôi vai người đàn ông ấy. Không có tiền, anh vay mượn người thân được 20 triệu đồng, vào rừng chung mua gỗ huê kiếm chút lời về chữa bệnh cho mẹ và vợ.
Anh Tiến chia sẻ: "Lúc đó gặp anh Cảm (một trong 15 bị can) và bác Hiệu đang còn mua bán, thấy bác Hiệu là người quen biết, tôi ngỏ ý xin góp tiền chung, thương hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên mọi người nói tiền bạc để sau gửi cũng được. Sau này bán được giá, họ thấy tội nên chia cho tôi 125 triệu đồng, tôi lấy tiền đó để chữa bệnh cho vợ". Khi đó, căn bệnh của vợ anh tưởng chừng như vô phương cứu chữa, người nhà đã đào huyệt, xây mộ chuẩn bị hậu sự cho chị. Nhưng nhờ có số tiền mang về từ vụ mua bán gỗ huê, anh dồn hết vào lo cho vợ vượt qua trọng bệnh.
...Đến những ngọn đèn heo hắt trước gió
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, 20 ngày sau, cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch đã triệu tập cả nhóm của Hiệu đến làm việc. Sau khi hết thời hiệu tạm giữ hình sự, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng về tội Cướp tài sản và giao cho PC45 Công an tỉnh Quảng Bình thụ lý. Nghe tin chồng, con dính phải vòng lao lý, những người thân trong gia đình gần như ngã quỵ và kiệt sức.
"Vợ tui vừa thoát khỏi ranh giới của cái chết, nghe tin chồng bị bắt vì cướp gỗ huê, cô ấy xỉu lên xỉu xuống, liên tục phải đưa đi cấp cứu, không thiết gì ăn uống, suốt ngày vật vã kêu khóc thảm thiết, bệnh tình không những không đỡ mà còn nặng hơn, giờ nằm một chỗ, người gầy rộc vì lo lắng cho chồng", anh Tiến chua chát nói. Còn mẹ anh, biết được hung tin của con trai, bà trở bệnh sốc nặng dẫn đến xộc máu phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam - Cuba - Đồng Hới. Tai họa cùng ập xuống một lúc khi anh đang bị tạm giam, đôi vai người trụ cột nay không thể cùng gia đình gánh gồng biến cố.
Mẹ anh Hiệu vốn bị bệnh đã ba năm, nhận được khoản tiền từ bán huê, anh đưa mẹ vào bệnh viện Đa khoa Huế điều trị. Chăm sóc mẹ được 13 ngày thì anh có lệnh của cơ quan chức năng gọi lên xã làm việc. Trong lúc chưa hiểu sự tình xảy ra với mình, anh bị bắt giam 8 tháng tại TP. Đồng Hới.
"Lúc đầu, mọi người biết chuyện nhưng sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ nên đã giấu không cho bà biết. Nhưng mãi không thấy anh ấy đến thăm, bà gặng hỏi cho ra sự tình. Suy nghĩ, đau đớn về hoàn cảnh của con, bệnh tình trở nên nặng hơn, từ chỗ còn đi lại, vận động được, giờ bà nằm liệt giường, không thiết gì ăn uống", chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Hiệu) chia sẻ.
Anh Hiệu có ba đứa con gái, Nguyễn Thị Mỹ Hằng (SN 1996) là con gái đầu, hiện đang học lớp 12. Hằng học giỏi nhất khối, ba năm liền thi tiếng Anh của huyện đạt giải ba. Hằng có nguyện vọng thi vào học viện Cảnh sát nhân dân nhưng vì hồ sơ của ba còn dính vòng lao lý, nên Hằng phải bỏ ước mơ để thi vào trường đại học Y Huế và Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh. Nói về ba cô con gái, anh Hiệu không giấu nổi nỗi buồn: "Tội nhất là ba đứa con của mình, mỗi lần đi học bị bạn bè chế giễu, xúc phạm là con của kẻ ăn cướp, rồi bị bạn bè xa lánh, tôi buồn lắm, nhiều khi nghĩ đến con mà tôi ứa nước mắt. Làm cha, làm mẹ ai chẳng mong muốn mình là niềm tự hào của con cái... Đằng này, mình vô tình bị oan để con cái phải hứng chịu điều tiếng từ cha".
Không am hiểu pháp luật, nhưng chỉ nghe thấy phải đối mặt với tội danh có khung hình phạt từ 17, 18 năm tù, thậm chí đến chung thân, tử hình, gia đình anh Hiệu và gia đình 14 bị cáo còn lại luôn phải sống trong cảm giác nơm nớp lo sợ. Có những ngày cả nhà ôm nhau khóc trong nước mắt, chẳng thiết ăn uống, làm việc, học hành gì. Đã nhiều lần anh Hiệu định tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc sống cùng cực của mình. "Thà như tôi làm chi nên tội thì phải chịu tội, nhưng đằng này oan ức quá. Nhiều lần nghĩ quẩn, tôi có ý định tự tử nhưng vợ con, anh em làng xóm khuyên can phải sống để làm sáng tỏ vụ việc. Nếu mình chết, người ta bảo mình đúng người đúng tội nên mới phải tìm đến cái chết", anh Hiệu chia sẻ.
|
Anh Hiệu cho biết, từ ngày dính vào vòng lao lý, anh cùng 14 bị cáo như con chim bị nhốt trong lồng. |
Như chim bị nhốt trong lồng
Gần một năm trời đằng đẵng mòn mỏi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án, 15 bị cáo tỏ ra chán nản, mệt mỏi và suy nhược đi nhiều. Một trong số các bị can có nói một câu bông đùa, nhưng ẩn chứa sự cay đắng đến cùng cực: "Chúng tôi giờ như con chim bị nhốt trong lồng. Gia đình khó khăn đấy, cần tiền đấy nhưng cũng đành bất lực vì không thể đi làm ăn xa, bao nhiêu hoài bão, ước mơ giờ tan tành hết".
Đầu tháng 9/2012, Tiến có giấy báo đi lao động tại Nga. Qua bên đó được gần bốn tháng, Tiến nhận được tin báo có lệnh truy nã tại địa phương. Không hiểu sự tình ra làm sao, Tiến nhờ người nhà vay mượn ít tiền gửi sang mua vé bay về hỏi cho ra nguồn cơn câu chuyện. Cuối tháng 12/2012, vừa về tới sân bay Nội Bài, Tiến bị bốn Công an Hà Nội đọc lệnh bắt giam một ngày một đêm, sau đó Công an Quảng Bình đem xe thùng ra Hà Nội áp tải về tạm giam. Đến tháng 5/2013, bị can này được cho tại ngoại để CQĐT tiếp tục làm rõ, bổ sung hồ sơ.
Được tại ngoại, những tưởng anh sẽ thoải mái tinh thần nhưng trong lòng người đàn ông đang vấp phải biến cố lớn của cuộc đời, không biết bắt đầu cuộc sống từ đâu. Chuỗi ngày tự do trở nên nhàm chán và khắc khoải hơn bao giờ hết. Đối diện khoản nợ 60 triệu đồng, anh vay trong quá trình làm hồ sơ đi Nga, rồi tiền thuốc men, chữa trị bệnh tật cho vợ và mẹ ngày một dày lên, khoản nợ mà gia đình anh vay mượn người thân để "lo việc" cho anh... Tất cả như những quả tạ lớn, đè trĩu vai anh xuống.
"Từ ngày ở trại tạm giam về, tui phải vay mượn gần 100 triệu đồng, với những gia đình khác thì đó là bình thường nhưng với nhà tui thì là khoản nợ khổng lồ, không biết khi nào trả hết. Dừ tui lại như con chim bị nhốt trong lồng, mức án đang còn treo lơ lửng trước mặt, tui có muốn đi làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ, nuôi mẹ và vợ cũng không được. Chỉ làm lụng quanh nhà mỗi tháng được 1 - 2 triệu đồng, tháng nhiều thì 3 triệu đồng. Nhiều khi họ định thuê tui làm việc nhưng biết chuyện tui như vậy họ lại thôi, đúng là trăm thứ cực", người đàn ông ấy mặt cúi gằm xuống đất, vò đầu bứt tóc chán chường.
Có phần may mắn hơn, anh Hiệu luôn có vợ con sát cánh cùng đồng cam cộng khổ. Từ ngày anh dính vào vòng lao lý, vợ anh phải cầm sổ lương để vay mượn 60 triệu đồng lo việc cho anh và trang trải mọi chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, cũng như các anh em của mình, vợ chồng anh Hiệu vẫn đang phải gánh một khoản nợ 140 triệu đồng vay nợ từ người thân, bạn bè.
Trải dài trong chuyến đi, có những suy nghĩ cứ ám ảnh tôi mãi không nguôi. Tiễn chúng tôi ra về, vợ anh Hiệu gửi gắm hết cả tâm tình vào câu nói tạm biệt: "Nhờ pháp luật làm cho ra lẽ phải, kể cả vợ chồng con cái phải ăn muối ăn mắm, không có nhà ở cũng còn hơn là mang tiếng cướp bóc".
VKSND tối cao yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình xem xét lại vụ án
Từ số 50 ngày 25/4/2014, Đời sống và Pháp luật có khởi đăng loạt bài "Đi tìm sự thật của vụ án cướp gỗ sưa gây chấn động Quảng Bình" với nội dung tóm tắt như sau: Tháng 5/2012, Công an huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bắt giữ khởi tố vụ án và khởi tố 15 bị can về tội "Cướp tài sản" là gỗ sưa do Nguyễn Văn Hiệu cầm đầu, sau đó vụ án được chuyển đến Công an tỉnh Quảng Bình để điều tra theo thẩm quyền. Sau 4 tháng các bị can bị tạm giam, VKSND tỉnh Quảng Bình đã thay đổi biện pháp tạm giam đối với các bị can. Suốt gần hai năm nay các bị can đều có đơn kêu oan và khẳng định họ thực hiện giao dịch dân sự, quan hệ mua bán 400kg gỗ sưa cành ngọn của Phạm Văn Toàn với giá 750 triệu đồng là rất rõ ràng.
Trong quá trình điều tra vụ án có dấu hiệu các điều tra viên đã vi phạm bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể: Lập lời khai giả, làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến nhiều lần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vì vậy, suốt hai năm nay vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử được. Hiện nay, qua làm việc với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo VKSND tỉnh và TAND tỉnh Quảng Bình đều nhận định không đủ căn cứ để kết luận 15 bị can này có hành vi cướp tài sản như kết luận của Cơ quan điều tra, cần xem xét lại vụ án này.
Sau khi báo đăng tải, ngày 9/5/2014, VKSND tối cao đã ra thông báo số 243 TB-VKSNDTC-VP: "Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi".
Chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc sớm nhất khi có phúc đáp của VKSND tỉnh Quảng Bình về sự việc nêu trên.
(Còn nữa)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-cuop-go-sua-nghiet-nga-sau-giac-mong-doi-doi-a33084.html