(ĐSPL)- Hóa ra, thay vì có một “tấm vé đổi đời” từ những khúc gỗ sưa câm lặng ấy, cuộc sống của những người đàn ông kia đã phải rẽ vào con đường lao lý đầy xót xa...
Như chúng tôi đã phản ánh ở các số báo trước, trong quá trình điều tra, làm rõ một số nghi vấn, khúc mắc của vụ án cướp gỗ huê (gỗ sưa - PV) chấn động tỉnh Quảng Bình, PV báo Đời sống và Pháp luật đã được nghe các “bị can” cởi mở những tiếng lòng sâu kín của mình.
Nghiệt ngã vì huê...
Không phải là người cầm đầu nhưng Phan Văn Cảm (SN 1972) ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) luôn đau đáu trách nhiệm với anh em “đồng hội” trong vụ án “cướp gỗ huê”. Suốt hai năm qua, Phan Văn Cảm gác lại nỗi đau của bản thân để đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng kêu oan. Những ngày cuối tháng 4/2014, người đàn ông này đã một mình vượt hàng trăm cây số về thành Vinh (Nghệ An) để gặp các PV báo Đời sống và Pháp luật.
Suốt câu chuyện, chúng tôi đọc được rất rõ nỗi lòng của người đàn ông ấy. Trước tình cảnh chết còn hơn sống của hầu hết anh em trong nhóm đang bị vướng vào vòng tù tội, anh không cho phép mình từ bỏ hành trình đi tìm lại sự thật, dẫu bản thân anh cũng đang rơi vào cảnh “có thể chết đi được”.
Người đàn ông này cho rằng, chỉ vì chưa thanh toán hết số tiền còn lại trong thỏa thuận mua bán với nhóm của Nguyễn Văn Toàn (người đã đứng đơn tố cáo vụ việc - PV), mà các anh bị CQĐT khép vào tội cướp tài sản, nguy cơ đối diện với bản án 18 năm tù đến tử hình đang rất gần với họ.
Kể từ ngày bị bắt tạm giam (2/6/2012), Phan Văn Cảm không chia sẻ gì nhiều, nhưng qua các “bị can” khác, chúng tôi được biết, anh là người phải gánh chịu bi kịch nặng nề nhất từ vụ án này. Từ một người buôn bán gỗ có tiếng tăm ở xã Đại Trạch, gia tài từng có “của ăn của để”, nhưng sau giấc mơ làm giàu, Cảm trở thành một người tay trắng. Cảm bán sạch tài sản, nhà cửa; người vợ tìm lối rẽ khác; người mẹ già choáng váng đổ bệnh tai biến; đứa con trai vào tù... Dẫu bản án chưa tuyên, quan tòa chưa phán quyết, nhưng anh đã và đang mang trên mình là thân phận của một tên tội phạm.
|
Bị can Phan Văn Cảm. |
..từ chuyến đi rừng định mệnh
Năm 2012, lúc đó ở miền núi của huyện Bố Trạch (Quảng Bình) rộ lên phong trào vào rừng lấy gỗ huê, khi 3 cây gỗ quý này ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị lâm tặc đốn hạ. Máu làm ăn đã thúc đẩy anh len lỏi vào rừng, chung chi vốn để mua cành ngọn về bán kiếm lời.
Phạm Văn Cảm kể lại: Khi vào đến quá bìa rừng, nhóm của anh gặp nhóm của Phạm Văn Toàn đang đưa “chiến lợi phẩm” đi xuống. Sau khi thương lượng mua lại số gỗ ấy với giá 600 triệu đồng, các anh đưa trước cho Toàn 390 triệu đồng vì chưa đủ tiền, với lời hẹn: Sau khi bán lại số gỗ huê này sẽ thanh toán đủ. Bàn giao xong hàng cho đối tác thu về 4 tỷ đồng, chia đều cho 15 người, anh nhận 125 triệu đồng, tiêu xài với bạn bè hết hơn 50 triệu đồng. Mọi việc tưởng đã xong xuôi, chuẩn bị lên kế hoạch làm ăn mới từ số tiền còn lại vừa kiếm được, anh bất ngờ nhận thông tin triệu tập từ phía cơ quan CSĐT Công an huyện Bố Trạch, về việc Phạm Văn Toàn đứng đơn tố cáo nhóm của anh tội cướp tài sản. Đến khi bị bắt, anh vẫn chưa hiểu sự tình, cũng như hành vi vi phạm của mình.
Sau khi đã “yên vị” trong trại tạm giam, Cảm mới bắt đầu vỡ lẽ ra đầu đuôi câu chuyện. Mọi việc bắt đầu từ người được giao nhiệm vụ thanh toán số tiền còn lại cho nhóm Toàn, không đưa tiền đúng hẹn, nên Toàn đã làm đơn lên cơ quan công an. Nỗi uất nghẹn trào dâng, khi người ta “gắn” cho Cảm tội danh: ăn cướp. Những ngày bó gối trong bốn bức tường, người đàn ông một thời xông pha ấy, mới thấm thía cơn ác mộng mang tên: Gỗ huê. Thứ gỗ khiến người ta có thể lấy mạng sống của nhau, không những không giúp anh mộng làm giàu, mà giờ đây, chính nó đã lấy đi của anh tất cả mọi thứ quý giá nhất trong cuộc đời.
Sau nhiều lần và cùng nhiều người kêu oan, lòng người như bị rung cảm, chân lý như muốn mở đường. Hết bốn tháng tạm giam, Phan Văn Cảm và những bị can trong vụ án bất thường được tại ngoại. Rời trại tạm giam nhưng những mảnh đời ấy như bị ném ra giữa dòng đời oan nghiệt với hai bàn tay trắng, cùng một bản án có thể từ 18 năm tù đến tử hình đang đợi chờ họ phía trước.
Vượt lên gian nan và cay đắng...
Bước ra khỏi song sắt, Cảm trở về nhà mang theo nỗi đau nặng trĩu. Chưa có kết luận cuối cùng nên dù được cho tại ngoại, nhưng Phan Văn Cảm cùng các bị can trong vụ án bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Làm nghề buôn bán mà không được bước chân ra khỏi địa phương thì coi như “giải nghệ”. Các mối làm ăn khác của anh hầu hết đã cắt giao dịch, họ sợ tương lai tù tội của anh sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Trong khi đó, suốt thời gian anh ở tù, vợ anh thương chồng nên dồn hết vốn liếng kiếm được để chạy vạy, nhờ người này, người kia giúp đỡ cho chồng. Hễ nghe ai nói có thể giúp anh, chị đều “phung phí” không đắn đo. Gia tài, tiền bạc của anh cũng vì thế mà ra đi. Hết tiền, không có việc làm, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn lục đục. Thấy hy vọng tự do của chồng quá mong manh, người phụ nữ ấy không đủ can đảm cùng chồng bước về tương lai mịt mờ phía trước nên đã quyết định tìm lối rẽ mới. Còn sót lại thứ gì quý giá, Cảm dành hết cho vợ con và bước ra khỏi chốn “đoàn viên” với hai bàn tay trắng. Cùng với vài người anh em một thời vào sinh ra tử, Cảm thuê một phòng trọ nhỏ để ở qua ngày, mòn mỏi với hành trình đi tìm công lý.
Không chấp nhận để cha mình chịu oan trái, không thể để tiền đồ của gia đình bị hủy hoại, cậu con trai của Cảm đang làm ăn ở Vũng Tàu đã trở về để cùng cha đi đòi công lý. Khi cha con chưa kịp hội ngộ, trong một lần không giữ được bình tĩnh khi nghe đám thanh niên cáo buộc cha mình ăn cướp, cậu con trai đã gây án thương tích và bị kết án 15 tháng tù giam. Nhắc đến con, Cảm thấy mình có lỗi thật nhiều...
Còn mẹ của anh, do quá sốc và đau lòng sau khi nghe tin con trai cùng cháu mình vướng vào vòng tù tội đã lên cơn tai biến, đổ bệnh và nằm liệt giường từ đó đến nay. Suốt hai năm qua, với tâm lý đè nặng, có giai đoạn, Cảm như người mất hết nghĩa khí, vô hồn. Không nghề nghiệp, tiền bạc, không gia đình, không tự do, không nhà cửa,... Nỗi đau chồng lên nỗi đau, nhiều lúc Cảm nghĩ đến ý định tự kết liễu cuộc đời nghiệt ngã này. Nhưng rồi, anh hiểu rằng, mình phải kêu oan cho bằng được để người đời không phải gọi mình là “thằng ăn cướp”, khi đó có “nhắm mắt” cũng không thấy nhục đời.
|
Ngôi nhà hai tầng một thời rộn rã tiếng cười hạnh phúc của gia đình Phan Văn Cảm. |
... Với niềm tin vào công lý
Trong số 15 bị can của vụ án “cướp gỗ huê”, Cảm là người có hiểu biết, có điều kiện đi làm việc nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều tầng lớp người trong xã hội nên tin rằng, vụ án sớm muộn cũng sẽ được làm sáng tỏ. Anh nói rằng: “Cướp làm sao được khi cả hai nhóm “bị can” và “bị hại” lại là bạn bè, anh em ruột với nhau. Cướp, sao lại buổi tối ấy còn cùng rủ nhau đi uống cà phê. Cướp, làm sao lại đưa tiền trả nợ cho nhau...”. Tất cả lý lẽ đó, càng làm anh thêm quyết tâm tự giải oan cho mình và anh em bằng mọi giá.
Chính vì thế, sau khi ra khỏi trại tạm giam, Cảm đã tìm đến Toàn (người tố cáo nhóm Cảm cướp huê) để hỏi cho ra lẽ. Nhưng lúc này sự việc đã đi quá xa, ngay cả Toàn cũng không thể làm chủ được lá đơn tố cáo của mình nữa. Cảm và các “đồng phạm” cho hay, đứng đằng sau vụ án này là một thế lực đang điều khiển vụ án theo một chiều hướng bất lợi cho nhóm Cảm. Không nản chí, anh đã tìm đến nhiều văn phòng luật sư yêu cầu được trợ giúp pháp lý. Trước những phân tích, tư vấn có cơ sở của những người nắm rõ luật pháp, một lần nữa, Cảm càng củng cố thêm niềm tin của mình vào công lý. Hiện, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã trả hồ sơ lại cho cơ quan điều tra vì cho rằng, bản kết luận điều tra thiếu chứng cứ để buộc tội.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thể hiện rõ quan điểm của mình khi cho rằng, đây là vụ án oan sai, cần phải tuyên án những “bị can” trên vô tội. Điều đó, càng giúp Cảm có niềm tin mãnh liệt vào công lý, nhóm lên những tia hy vọng vào một tương lai sáng hơn trên con đường đi tìm lại sự thật.
Theo ý kiến của luật sư Ngô Đức Thịnh, thuộc Văn phòng Luật sư Thịnh Đức (Quảng Bình): Nếu dừng lại theo góc độ này và hồ sơ chứng cứ đã nêu thì vụ này chỉ nên xử lý hành chính, bởi vì không xử lý được tội vi phạm quản lý rừng thì không xử lý hình sự được. Do chưa chuyển được tội danh, theo quy định vụ án không có tội cướp thì cũng không thể chuyển sang tội vi phạm quản lý rừng, đương nhiên đây là một án oan sai. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-he-luy-xot-xa-sau-vu-an-cuop-go-sua-chan-dong-quang-binh-a32822.html