Theo cơ quan chức năng, 84 học sinh ở Cà Mau nhập viện sau khi súc miệng bằng flour không phải bị ngộ độc mà do tác dụng phụ của nước súc miệng.
Liên quan vụ việc hàng chục học sinh Trường tiểu học 1 Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) phải nhập viện sau khi ngậm nước fluor ngừa sâu răng, tính đến 8h sáng hôm qua (12/1), tình trạng sức khỏe các em học sinh đều đã ổn định.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, Trường tiểu học 1 Khánh Bình nhận nước súc miệng fluor và triển khai cho học sinh súc miệng vào 8h ngày 11/1. Tuy nhiên, cũng vào thời gian này, cán bộ phụ trách y tế học đường của trường nghỉ hậu sản và bàn giao lại cho một cán bộ không có chuyên môn của trường phụ trách triển khai. Đồng thời cũng thông báo về Trạm Y tế xã Khánh Bình để theo dõi và giám sát. Sau khi súc miệng khoảng 15 phút thì có 5 em có triệu chứng nôn ói, đau bụng thì nhà trường báo cho Trạm Y tế.
84 học sinh tiểu học nhập viện sau khi súc miệng bằng flour tại Cà Mau. Ảnh: Thanh Niên |
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, có 89 học sinh ngậm flour và có 84 học sinh nhập viện. Trong đó nhập viện Bệnh viện Sản - Nhi là 17 học sinh; Bệnh viện đa khoa TP.Cà Mau là 22 học sinh; Bệnh viện đa khoa Trần Văn Thời là 45 học sinh.
Nói về nguyên nhân xảy ra vụ việc, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Minh Thuẩn, Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời cho rằng, do cán bộ, giáo viên hướng dẫn quy trình cho học sinh chưa sát, chưa đúng.
“Học sinh sau khi ngậm fluor phải súc miệng bằng nước sạch 3 - 4 lần. Sau đó, các em không được ăn uống trong vòng 30 phút. Tuy nhiên, nhiều em súc miệng lại bằng nước sạch chỉ 1 lần rồi ăn uống liền sau đó, thuốc đi theo vào dạ dày. Các em không phải bị ngộ độc mà bị tác dụng phụ của nước súc miệng”, ông Thuẩn thông tin.
Sức khỏe của các em học sinh đã ổn định. Ảnh: Người Đưa Tin |
Như đã đưa tin trước đó, sáng ngày 11/1, tại Trường tiểu học 1 Khánh Bình đã tổ chức cho các em học sinh ngậm nước súc miệng bằng dung dịch Fluor. Chương trình này phối hợp giữa y tế với nhà trường (thường gọi là chương trình nha học đường). Sau khi súc miệng bằng dung dịch này, hầu hết các em học sinh bắt đầu có biểu hiện bị nôn ói, đau bụng, vật vã,…
Qua sự việc trên, UBND huyện chỉ đạo UBND xã đề nghị trạm Y tế xã phối hợp với nhà trường dừng việc cho học sinh ngậm nước súc miệng tại các điểm trường còn lại. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân và báo cáo vụ việc theo quy định.
Nguyễn Phượng (T/h)