Theo hồ sơ vụ án, hợp đồng ký kết giữa BV Đa khoa Hòa Bình và công ty Thiên Sơn vào tháng 5/2017, trước vài ngày xảy ra sự cố. Phía Cty Thiên Sơn thuê bên thứ ba là công ty Trâm Anh. Tuy nhiên, bị cáo Quốc phủ nhận.
Trong phiên xét hỏi các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận ở BV Đa khoa Hòa Bình làm chết 8 người, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, GĐ công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cho biết sáng 28/5/2017, bị cáo được công ty CP dược phẩm Thiên Sơn yêu cầu đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình thay vật liệu của hệ thống lọc RO.
Bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc (từ trái qua phải) |
Trước đó, ngày 25/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình ký hợp đồng với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc).
Hợp đồng được ký kết với nội dung, cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Nội dung cụ thể trong hợp đồng thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng cát thạch anh, sỏi đỡ, than hoạt tính Norit, hạt nhựa Cation làm mềm nước, van inox 3x4 loại cửa mở, màng RO 404AG 90, bộ đèn UV dưới nước, khởi động từ MC22A LS, tiệt trùng hệ thống nước và xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI...
Theo hồ sơ từ cơ quan điều tra, để thực hiện hợp đồng trên, ngay trong ngày 25/5, Công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc), với nội dung bán, lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với các danh mục nêu trên.
Hội đồng xét xử |
Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 15/5, bị cáo Quốc khẳng định, tại thời điểm xảy ra sự cố, hai bên chưa làm hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng báo giá từ tháng 4/2017. Sau khi được Cty Thiên Sơn đề nghị sửa, Quốc đã đến gặp bị cáo Trần Văn Sơn.
Bị cáo Sơn dựa trên hợp đồng giữa BV với công ty Thiên Sơn để trao đổi nội dung cần sửa chữa, thay thế cho bị cáo Quốc. Bị cáo Quốc khẳng định, bị cáo chưa thực hiện xong công việc, chưa bàn giao trên giấy tờ. Trước khi nghỉ, bị cáo có gọi điện cho Sơn đến khóa cửa và nhắc đã sửa và thay thế các vật tư xong, sáng hôm sau mới vào lấy mẫu nước.
Sáng 29/5, khi Quốc quay lại thì thấy hệ thống máy đã chạy mà không hề có phản ứng ngăn việc này lại. Vì trước đó, bị cáo Quốc từng thay thế sửa chữa hệ thống RO theo cách tương tự nhưng không xảy ra sự cố gì.
Trả lời về việc tại sao dùng axit để vệ sinh màng ngoài RO. Quốc nói: “Thấy màng RO bị đóng két canxi rất dày nên đã dùng hỗn hợp hóa chất HCl và HF (tỉ lệ 5%) để vệ sinh bên ngoài màng. Và theo kinh nghiệm của bị cáo, cứ để nước sạch xả trong vòng 1-3 giờ sẽ không còn axit tồn dư. Khi dùng hóa chất này, Quốc không hề biết bị cấm trong y tế. Nhưng xét toàn cuộc, bị cáo thấy hối hận vì đã chủ quan dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Quyết định của ông Trương Quý Dương phê duyệt đơn vị cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống RO số 2 là cty Thiên Sơn |
Trả lời xét hỏi trước tòa, bị cáo Trần Văn Sơn nói bị cáo không mở cửa và trao đổi nội dung công việc sửa chữa cho Quốc. Về hợp đồng ký giữa BV Đa khoa Hòa Bình và Cty Thiên Sơn, bị cáo Sơn không hề biết.
Sáng 29/5, khi bị cáo đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống máy đã hoạt động, có trao đổi lại với điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng để đến trưa thì lấy mẫu nước. Sau đó có trao đổi lại với Quốc về việc này. Tuy nhiên, bị cáo Sơn lại nói: Những lần sửa chữa trước đều đưa vào sử dụng ngay.
Còn tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương không thừa nhận cáo trạng đã buộc tội mình. Bị cáo cho rằng, bị cáo là bác sĩ điều trị chứ không phải lãnh đạo, phụ trách đơn nguyện thận nhân tạo.
Khi HĐXX hỏi có biết việc sửa chữa đã hoàn thành hay không? Bị cáo Lương nói: Khi phòng vật tư bàn giao cho đơn nguyên sử dụng thì đương nhiên máy móc đã được Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn bàn giao cho bệnh viện. Theo quy định, điều dưỡng nhận bàn giao thiết bị máy móc sau sửa chữa từ phòng Vật tư. Khi được thông báo đã sửa chữa xong thì bị cáo Lương ra y lệnh.