Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân ngộ độc cho thấy, 2 nạn nhân có nồng độ Metanol cao gấp 237, 278 lần so với ngưỡng tối thiểu bình thường trong cơ thể con người.
Báo Vietnamnet đưa tin mới nhất về vụ ngộ độc 7 người tử vong, hơn 30 người nhập viện cấp cứu ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chiều 15/2, đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với các cơ quan chức năng huyện.
Tại đây, Ths.BS Cao Văn Trung, Phó phòng Ngộ độc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, nguyên nhân được xác định chính xác là do uống phải rượu có pha cồn công nghiệp Methanol. Đây là loại hoá chất rất nguy hiểm, gây tổn thương nội tạng khi sử dụng.
Lực lượng chức năng niêm phong số rượu ở cửa hàng tạp hóa và nhà có đám nơi có nhiều người bị ngộ độc. (Ảnh: Vietnamnet) |
"Xét nghiệm 3 mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân cho kết quả 2 nạn nhân có nồng độ Metanol cao gấp 237, 278 lần so với ngưỡng tối thiểu bình thường trong cơ thể con người”, ông Trung khẳng định.
Báo Thanh Niên cũng đưa tin, chiều qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu lấy từ lấy tại vụ ngộ độc nói trên. Kết quả cho thấy, 3 mẫu rượu trên có chứa cồn công nghiệp ở mức rất cao. Cụ thể, hàm lượng methanol là: 970 mg/lít cồn 100 độ; 556.000 mg/lít cồn 100 độ và 475.000 mg/lít cồn 100 độ. Trong khi theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ.
Tất cả rượu tại các cửa hàng ở 3 xã Ma Ly Chải, Sì Lờ Lầu và Vàng Ma Chải được thu gom và niêm phong |
Liên quan đến vấn đề này Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Dương Đình Đức cho biết: "Chúng tôi đã nghi ngờ nguyên nhân ngộ độc do rượu nên đã chỉ đạo các lực lượng y tế, Công an, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương của 3 xã biên giới là Ma Ly Chải, Sì Lờ Lầu và Vàng Ma Chải thu gom tất cả các loại rượu đang lưu hành".
Huyện đã xác định nguồn gốc rượu uống tại gia đình ông Phu Vần Lèng được mua từ chợ trung tâm xã Sì Lờ Lầu. Ngày 14/2, lực lượng Công an đã kiểm tra, niêm phong toàn bộ số rượu đang cất giữ tại 7 gia đình có bán rượu ở đây cũng như thu giữ rượu còn lại trong nhà ông Phu Vần Lèng, khoảng gần 30 lít.
Chị Phùng Thị Hương, chủ cửa hàng bán rượu cho gia đình ông Lèng. (Ảnh: Vietnamnet) |
Tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn ở chợ trung tâm xã Sì Lờ Lầu, nơi gia đình ông Lèng mua rượu về uống, chị Phùng Thị Hương, chủ cửa hàng cho hay, từ năm 2013, gia đình bán các mặt hàng tạp hoá, thực phẩm, bia rượu... Riêng rượu, gia đình tự nấu tại nhà, có những ngày bán trên 60 lít.
"Mấy năm nay, người dân tại đây mua uống nhiều nhưng không ai kêu ca đau đầu, buồn nôn hoặc triệu chứng khó chịu nào", chị Hương nói.
Cũng theo chị Hương, có thể gia đình ông Phu Vần Lèng mua rượu của cửa hàng này rồi về pha với rượu Trung Quốc. Bởi rượu nấu của người bản địa và rượu Trung Quốc có sự chênh lệch giá lớn (rượu gia đình chị Hương bán 20 nghìn/lít, trong khi đó rượu Trung Quốc chỉ 10 nghìn/lít - PV).
Các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan, nếu có các chứng cứ cụ thể sẽ ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.
Như tin đã đưa trước đó, ngày 10/2, tại gia đình ông Phu Vần Lèng (SN 1957, ở bản Tả Chải) đã mời nhiều người đến nhà ăn uống. Tối cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn rồi tử vong.
Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình tổ chức hậu sự, dân bản đã đến ăn cơm, uống rượu theo phong tục địa phương trong 3 ngày từ 11-13/2. Ngày 13/2, sau khi ăn uống xong đã có rất nhiều người dân trong bản có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, giãn đồng tử. Đến tối cùng ngày 6 người đã tử vong, hơn 30 người bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Phong Thổ, một số bệnh nhân nặng được chuyển ra BV Đa khoa tỉnh.
(tổng hợp)