(ĐSPL) - Sau 2 ngày điều tra, truy xét, 4 đối tượng liên quan đến vụ cướp tiệm vàng Kim Phụng đã bị bắt giữ.
Tối 18/12, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết nghi phạm thứ 4 trong băng cướp tiệm vàng trên địa bàn huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã ra đầu thú. Như vậy, tất cả các đối tượng gây án đều bị bắt.
Đây là các nghi phạm dùng súng và hung khí cướp tiệm vàng Kim Phụng (xã Phước Đông, H.Gò Dầu) vào chiều 16/12, gồm: Lê Đăng Khoa (26 tuổi, còn gọi là Khoa máu lạnh), Lê Văn Phương (22 tuổi), Võ Tấn Quốc (22 tuổi) và Nguyễn Hồng Khắc (30 tuổi). Tất cả đều ngụ ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Trước đó, sáng 17/12, hai anh em Khoa, Phương ở trong một nhà nghỉ tại H.Trảng Bàng, bất ngờ bị các trinh sát ập vào bắt giữ, không kịp phản ứng. Lúc này, cả hai còn đang phê thuốc sau một đêm “đập đá”. Khoa, Phương khai đồng bọn và thừa nhận hành vi cướp tiệm vàng.
Qua đó, cơ quan điều tra xác định Khắc là đối tượng cầm đầu. Khắc bỏ trốn cùng toàn bộ số vàng cướp được. Các địa điểm mà Khắc và Quốc có khả năng lẩn trốn đều bị theo dõi. Tới chiều 18/12, khi vòng vây siết chặt, ban chuyên án thuyết phục gia đình Quốc liên lạc, động viên đối tượng ra đầu thú. Mấy giờ sau thì Khắc cũng ra đầu thú.
Nhóm nghi can cướp tiệm vàng. Ảnh cắt từ clip. |
Theo báo Dân Việt, tại Công an, nhóm nghi can khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, Khoa và Phương cùng với Nguyễn Hồng Khắc và Võ Tấn Quốc bàn bạc cướp tiệm vàng.
Để thực hiện kế hoạch cướp tiệm vàng, cả nhóm đã chuẩn bị súng, bình xịt hơi cay. Đồng thời, nhóm mua 22 đôi găng tay với giá 40.000 đồng ở tiệm tạp hóa ở khu vực.
Vào lúc 13h45 ngày 16/12, nhóm 4 đối tượng điều khiển 2 xe Exciter đến tiệm vàng Kim Phụng thuộc ấp Suối Cao A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Trước khi đi chúng trang bị nón bảo hiểm, mặc áo khoác, đeo găng tay và đeo khẩu trang.
Nhóm đứng đợi ở phía ngoài tiệm vàng. Khi phát hiện trong tiệm chỉ có chị Lê Thị Kim Thoại (28 tuổi, vợ anh Khoa chủ tiệm vàng) trông coi tiệm. Lúc này, đối tượng Khoa đứng trước tiệm vàng để cảnh giới, 3 đối tượng còn lại mang theo súng, bình xịt hơi cay, mã tấu xông vào tiệm.
Vừa bước vào tiệm vàng, 1 đối tượng cầm súng ngắn (chưa xác định được súng thật hay súng giả) và bình xịt hơi cay, chĩa súng vào chị Thoại. Chị Thoại hốt hoảng truy hô “cướp, cướp”. Thời điểm này, anh Khoa (chủ tiệm vàng) vốn ở phía sau nhà nên khi nghe vợ truy hô liền chạy ngay lên nhà.
Vừa giáp mặt, nhóm đối tượng liền dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt chị Thoại và anh Khoa. Bị tấn công, anh Khoa và chị Thoại bỏ chạy ra phía sau nhà. Các đối tượng dùng mã tấu đập vỡ tủ trưng bày vàng, lấy một phần vàng trong tủ (khoảng 100 chỉ vàng 18K- bị hại chưa xác định chính xác số tài sản bị cướp).
Khi anh Khoa lấy rựa chạy lên thì 4 đối tượng đã ra khỏi tiệm vàng. Hai người dân ở gần đó phát hiện vụ việc chạy đến, đối tượng liền dùng mã tấu rượt đuổi 2 người dân này vào nhà rồi lên xe mô tô tẩu thoát về hướng xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)