(ĐSPL) – Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng PC 45 cho biết, hiện chưa có căn cứ nào chứng minh Giám đốc Công ty Việt Hồng có vi phạm hoặc liên quan vụ hơn 14.000 ĐTDĐ bị nghe lén.
Giám đốc Công ty Việt Hồng vô can?
Liên quan đến vụ phát hiện hơn 14.000 ĐTDĐ nghe lén, trong cuộc họp giao ban báo chí thành ủy chiều 1/7, Đại tá Dương Vặn Giáp – Trưởng phòng PC 45 – Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 25/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 158 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo điều 226 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Đồng thời, ngày 26/6 đã tiến hành ra các quyết định số 453, 454, 455, 456 khởi tố bị can theo điều 226 BLHS đối với 4 bị can: Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1974) là Phó Giám đốc công ty; Lê Thanh Tâm (sinh năm 1982), là Trưởng phòng kỹ thuật; Trần Minh Ngọc (sinh năm 1990), là nhân viên hỗ trợ khách hàng; Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1990), là nhân viên tư vấn khách hàng, hỗ trợ văn phòng.
Đồng thời, cơ quan CSĐT đã có công văn đề nghị VSKND Thành phố phê chuẩn quyết định khởi tó đối với 4 đối tượng nêu trên và phê chuẩn lệnh bắt bị can dể tạm giam đối với 3 đối tượng Nguyễn Việt Hùng, Lê Thanh Lâm, Trần Minh Ngọc. Riêng bị can Nguyễn Thị Nga do mang thai nên đã thống nhất với VKSND thành phố áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tại sao vi phạm được phát hiện tại Công ty TNHH Việt Hồng nhưng trong 4 đối tượng bị khởi tố thì chức danh cao nhất vẫn chỉ là Phó Giám đốc, vậy Giám đốc của công ty này có liên quan như thế nào, Đại tá Dương Văn Giáp khẳng định: “Hiện vẫn chưa có căn cứ nào để chứng minh Giám đốc Công ty Việt Hồng có vi phạm hoặc liên quan đến vi phạm trong vụ án này”.
Các lực lượng chức năng trong đợt thanh tra, kiểm tra tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng. |
Chưa xác định được trách nhiệm của nhà mạng
Cũng trong buổi giao ban báo chí chiều nay, Đại tá Dương Văn Giáp cho rằng, muốn xử lý các nhà mạng trong vụ hơn 14.000 ĐTDĐ bị nghe lén thì phải điều tra vụ án xem vi phạm đến đâu thì mới có thể xử lý.
Trong khi đó, bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, phần mềm Ptrackre này không phải được giám sát trên sim nên không đề cập đến trách nhiệm của nhà mạng trong vấn đề này.
Về việc các phương tiện, thiết bị theo dõi, giám sát được bày bán công khai trên mạng và trên thị trường, Trưởng phòng PC 45, Công an TP Hà Nội khẳng định, đúng là có chuyện này, và cách đây 3 tháng, công an TP Hà Nội cũng bắt 1 cơ sở di động ở Đống Đa mua bán và kinh doanh trái phép hơn 700 thiết bị này.
“Giám đốc Công an TP cũng đang chỉ đạo các lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quan và quản lý thị trường, bởi hầu hết các thiết bị này đều lọt vào thị trường Việt Nam qua đường cửa khẩu, sân bay…” – Đại tá Giáp khẳng định.
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45 Công an Hà Nội. |
Đại tá Dương Văn Giáp cho biết thêm: “Trong tổng số rất nhiều tin nhắn lưu trong bộ dữ liệu của Công ty Việt Hồng, chúng tôi đang từng bước kiểm tra, nhưng phần lớn là liên quan đến vấn đề đời tư chứ không liên quan nhiều đến an ninh quốc gia hay tính mạng con người. Thời gian tới, để ngăn chặn việc này, ngoài tuyên truyền cho người dân, đối với các công ty kinh doanh viết và bán phần mềm nghe lén, chúng tôi sẽ kiến nghị nên cấp phép viết phần mềm ở lĩnh vực nào, về cái gì, chứ như bây giờ là quá rộng. Chúng tôi không thể khẳng định có còn công ty nào như Việt Hồng hơn, nhưng với tình hình hiện nay thì rất có thể sẽ vẫn còn”.
Về việc có thông báo tới chủ thuê bao của hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén hay không, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố cho biết, phải mất rất nhiều thời gian nữa các lực lượng chức năng mới có thể lấy thông tin từ máy chủ ra, nghe lại từng người một xem họ thỏa thuận với công ty vi phạm như thế nào, thì mới nắm được nội dung. Còn việc có thông báo hay không là một vấn đề rất nhạy cảm, nên cơ quan chức năng sẽ phải bàn bạc lại.