(ĐSPL) – Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng: “Việc lập trình, phát tán phần mềm này của những chủ thể liên quan trong Công ty Việt Hồng là vi phạm pháp luật. Nếu không xử lý hình sự vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, không phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng và chống loại tội phạm công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay".
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin. Mới đây, Đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán, cài đặt phần mềm theo dõi, giám sát điện thoại trái phép, biến hàng nghìn thuê bao di động thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật này.
Trong đó, phát hiện hơn 14.000 điện thoại di động bị nghe lén ở Việt Nam, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà 110 đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) và phát hiện công ty này đang kinh doanh trái phép phần mềm ptraker.
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) cho biết, có 14.000 ĐTDĐ ở Việt Nam bị nghe lén. Ảnh minh họa. |
Về vấn đề này, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi với Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Ông đánh giá như thế nào về vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Hồng?
Có thể thấy rằng hành vi lập trình, phát tán phần mềm Ptracker để thu thập dữ liệu, theo dõi, nghe lén các cuộc gọi và tin nhắn của người khác là xâm phạm đến quyền tự do thư tín, bí mật riêng tư mà pháp luật bảo vệ.
Việc sử dụng các phần mềm để truy nhập, kiểm soát, thu thập dữ liệu các thiết bị điện tử viễn thông của người dân trong bối canh hiện nay, khi mà việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã trở lên phổ biến , đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để khai thác các tiện ích của công nghệ của người tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu. |
Những hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không, thưa ông?
Theo tôi, gắn các tính năng theo dõi, nghe lén, thu thập thông tin, dữ liệu của người khác là hành vi trái pháp luật, vi phạm các quy định của Luật Công nghệ thông tin cũng như các quy định khác của pháp luật.
Việc đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi đó, cần phải thận trọng, khách quan của các cơ quan liên quan nhằm xác định xem có cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra ,truy tố, xét xử hay không.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thì cho rằng việc không xử lý hình sự vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, không phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng và chống loại tội phạm công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông, những hành vi nêu trên, những người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?
Việc lập trình, phát tán phần mềm này của những chủ thể liên quan trong Công ty Việt Hồng là vi phạm pháp luật, tuy nhiên thì những người biết rõ tính năng nghe lén, thu thập dữ liệu, kiểm soát vị trí cũng như quyền điều khiển thiết bị viễn thông nhưng vẫn mua và cài đặt để sử dụng vào mục đích của mình cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với lỗi cố ý trực tiếp. Hậu quả nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng là do các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, giám định.
Theo quan điểm của tôi thì chỉ những người bị cài đặt trái phép hoặc bị lừa dối do nhà cung cấp phần mềm cung cấp thông tin sai lệch về các chức năng của sản phẩm, dịch vụ dẫn đến việc cài đặt thì mới không bị xử lý, còn đối với những người cố ý mua, tải phần mềm, sử dụng phần mềm với đúng các tính năng mà các cơ quan quản lý về thông tin truyền thông nêu trên thì cần phải điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Vậy theo ông, những người chủ động tìm mua và sử dụng phần mềm này có vi phạm pháp luật Hình sự?
Trong trường hợp các đối tượng biết rõ tính năng trái pháp luật của phần mềm nhưng vẫn mua, tải về, cài đặt vào những thiết bị viễn thông của người khác để đạt được những mục đích cụ thể của mình thì cần xem xét nhiều vấn đề mới có thể kết luận được.
Nếu việc theo dõi đó của các chủ thể đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia thì hoàn toàn phù hợp pháp luật và thông lệ quốc tế.
Việc sử dụng các thông tin cá nhân để trục lợi, chiếm đoạt tài sản, cạnh tranh không lành mạnh v.v. đều trái pháp luật , tuy nhiên cần căn cứ vào mức độ , tính chất cũng như xác định quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại để định tội danh trong trường hợp cụ thể. Theo tôi thì phải xem hậu quả mà các hành vi này trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra như thế nào, quan điểm của người bị hại ra sao mới có thể đánh giá được.
Ngoài ra có một số phụ huynh muốn giám sát con em mình, nếu chỉ về phương diện đạo đức và tình cảm thì không có vấn đề gì, nhưng trên phương diện pháp lý thì hành vi đó ít nhiều xâm phạm đến các quyền cơ bản của trẻ em, quyền con người được pháp luật quy định và bảo vệ dù là trẻ nhỏ hay đã thành niên, riêng trong quan hệ hôn nhân thì việc theo dõi vợ, chồng bằng các thiết bị điện tử, viễn thông đều trái pháp luật nghiêm trọng .
Luật sư Thiệp nhấn mạnh việc sử dụng điện thoại thông minh để khai thác các tiện ích công nghệ của người tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh.Tuy nhiên, ngoài các tác động tích cực thì bản thân công nghệ hiện đại luôn có những lỗ hổng về kỹ thuật là mảnh đất màu mỡ để tội phạm công nghệ cao sử dụng vào mục đích phạm tội cho nên việc loại trừ những rủi ro. Vì vậy, việc bịt những lỗ hổng kỹ thuật, hoàn thiện pháp luật đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm mới này, có như vậy mới bảo đảm được các quyền cơ bản của người dân nói chung và người sử dụng thiết bị điện tử viễn thông nói riêng.
Xin chân thành cảm ơn ông!