“Quýt làm, cam chịu”
Anh Đỗ Hữu Quý (36 tuổi) từng là giáo viên dạy thể dục tại một trường tiểu học trong xã. Dợt dịch Covid-19 vừa qua phải nghỉ dạy, rảnh rỗi, anh Quý nghe theo bạn bè chơi bóng đá, lô đề.
Càng chơi càng ham, số tiền tích góp của hai vợ chồng nhanh chóng bị anh tiêu hết, muốn gỡ gạc, anh đã tìm đến một số đối tượng cho “vay nóng”. Lãi mẹ đẻ lãi con, từ số tiền gốc 100 triệu đồng, đến nay đã lên tới gần 700 triệu.
Nhiều gia đình khốn đốn vì sập “bẫy” tín dụng đen.
Không có khả năng trả nợ, anh Quý bỏ đi biệt tăm. Với đồng lương công nhân ít ỏi, chị Hảo vừa phải chăm con nhỏ, trang trải sinh hoạt và chuẩn bị đón cô con gái thứ 2 sắp chào đời nên không thể trả nợ được cho chồng.
Không tìm được anh Quý, một số đối tượng xưng là người của tổ chức tín dụng đã tìm đến nhà chị Hảo. Họ thường xuyên tra tấn chị bằng những cuộc gọi đêm khuya, cùng lời lẽ dọa nạt.
Muốn sống yên ổn, chị Hảo buộc phải vay tiền người thân, bạn bè để trả nợ thay chồng nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể vì tiền lãi phát sinh quá nhanh. “Để tránh nhóm đòi nợ, tôi đưa con về nhà sống cùng bố mẹ nhưng chúng cũng nhanh chóng tìm ra. Sống với bố mẹ, tôi cũng không dễ chịu gì khi ngày nào cũng bị nhiếc mắng là vô tích sự, lấy phải người chồng không ra gì. Con thì sắp sinh, tiền thì không có, không biết mấy mẹ con tôi sẽ sống thế nào đây...”, chị thở dài nói.
Mỗi người dân cần tỉnh táo, tránh bẫy tín dụng đen
Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, tín dụng đen xuất hiện ngày càng nhiều với muôn kiểu biến tướng; từ việc cho vay có thế chấp thì nay chỉ cần có chứng minh thư, “alo là có tiền”. Chưa kể, hoạt động này còn được quảng cáo công khai, dán tờ rơi, treo biển lớn, len lỏi khắp ngõ ngách, phố phường….
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm cho biết: Tín dụng đen trước đây còn nhỏ lẻ, thường nằm ở cổng trường đại học. Nay tín dụng đen thay đổi mô hình, làm ăn lớn hơn, quy mô mở rộng hơn, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm.
“Nó thực sự đã len lỏi khắp đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, đối tượng vay không còn là những cô cậu sinh viên như trước đây mà nhiều ông chủ, doanh nghiệp tư nhân cũng trở thành nạn nhân của những hoạt động này. Nói tóm lại, tín dụng đen đã thành hình đổi dạng rất nhiều, rất lớn mạnh, nếu không có phương pháp quản lý mới, nhìn nhận mới thì chúng ta không thể quản lý được hoạt động này”, luật sư Tú nói.
Luật sư Tú cho biết, hiện nay tín dụng đen có thủ đoạn rất tinh vi và rất nguy hiểm cho những người vay. Ví dụ như ai đó cần vay một khoản tiền sẽ phải viết giấy bán căn hộ cho chủ nợ. Lấy ví dụ, căn nhà khoảng 5 tỷ đồng nhưng chỉ vay từ 1-2 tỷ đồng, trong vòng 1, 2 năm không trả được nợ thì lập tức căn nhà đó chuyển sang cho chủ sở hữu mới là chủ nợ ngay từ thời điểm vay.
Trường hợp khác, khi con nợ vay tiền không trả được thì chủ nợ ép con nợ đến nơi được coi là “sân sau” của họ, chính là tổ chức cho thuê xe ô tô, xe máy. Lúc này, con nợ buộc phải thuê xe ô tô rồi lại bán cho chủ nợ. Hành vi này của con nợ có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Với giá trị chiếc xe ô tô là rất lớn, con nợ có thể đối diện với mức án từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Với bản án treo lơ lửng trên đầu con nợ, chủ nợ có thể khống chế, điều khiển con nợ theo ý muốn của mình.
“Tôi được biết nhiều người vướng vòng lao lý bởi những thủ đoạn này. Những người thực hành pháp luật, đôi khi đoán ra được những khuất tất đó nhưng không có cách nào chứng minh được. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của tín dụng đen. Để bảo vệ mình, mỗi người dân cần tránh xa những tệ nạn xã hội, ví dụ như cờ bạc, cá độ vì đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc chúng ta phải đi vay tín đụng đen”, luật sư Tú khuyến cáo.
Tư Viễn