+Aa-
    Zalo

    Vợ chồng đại gia Trần Đình Long gây choáng với tài sản tăng nghìn tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tổng tài sản chứng khoán của vợ chồng đại gia Trần Đình Long- ông chủ Hoà Phát đã tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm 2016.

    (ĐSPL) - Tổng tài sản chứng khoán của vợ chồng đại gia Trần Đình Long- ông chủ Hoà Phát đã tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Năm 2015, hai vợ chồng ông Long cũng nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

    Tổng tài sản chứng khoán của 2 vợ chồng bầu Long tăng gần 4.000 tỷ đồng 

    Thông tin trên báo VnExpress, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa cho biết Tập đoàn Hoà Phát (Mã CK: HPG) sẽ chi trả cổ tức 30\% (15\% tiền mặt, 15\% cổ phiếu) và chốt quyền đăng ký cuối cùng ngày 26/8 tới.

    Với tỷ lệ 15\% tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận về 1.500 đồng), Hoà Phát dự chi gần 1.100 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Trong khi đó, với khoản chia thưởng bằng cổ phiếu 15\% (100 cổ phiếu nhận 15 cổ phiếu mới), Hoà Phát sẽ phát hành thêm gần 110 triệu cổ phiếu mới.

    Hiện tại, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đang sở hữu 184,3 triệu cổ phiếu HPG. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền sở hữu 53,9 triệu cổ phiếu. Tổng tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Long là 32,4\% vốn cổ phần của Hòa Phát. Theo đó, ông bà sẽ nhận 357 tỷ đồng tiền mặt và khoảng 35,6 triệu cổ phiếu mới.

    Với giá cổ phiếu đóng cửa phiên 12/8 của HPG là 45.800 đồng, tài sản chứng khoán của vợ chồng ông chủ Hoà Phát dự kiến tăng thêm khoảng 1.640 tỷ đồng. Tổng 2 khoản nhận được tương đương gần 2.000 tỷ đồng.

    Tính đến ngày 11/8, tổng giá trị tài sản cổ phiếu của ông Trần Đình Long tương đương hơn 8.440 tỷ đồng, còn bà Vũ Thị Hiền đạt 2.445 tỷ đồng. Tổng tài sản chứng khoán của 2 vợ chồng ông đã tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Năm 2015, hai vợ chồng ông Long cũng nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

    Hưởng lợi lớn từ chính sách áp thuế tự vệ bảo vệ sản xuất thép trong nước, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thép tăng mạnh trong thời gian qua. Theo đó, cổ phiếu HPG bứt phá mạnh, tăng tới 16.000 đồng so với đầu năm, tác động tích cực đến tài sản của cổ đông. Trong khi đó, Hội đồng quản trị Hoà Phát cũng được chi trả thù lao 35 tỷ đồng - tương xứng với quy mô và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

    Kết thúc quý II/2016, Hoà Phát tăng trưởng 2 con số, với doanh thu đạt 15.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.050 tỷ, tăng 60\% so với cùng kỳ và gần hoàn thành kế hoạch cả năm về lợi nhuận. Lý giải về mức lợi nhuận đột biến trong quý II, ông Long cho biết do sản lượng bán hàng tăng, việc cơ quan quản lý áp thuế tự vệ thương mại tạm thời nên giá lên, chính sách nhập nguyên liệu theo năm cũng góp phần giúp Hòa Phát hưởng lợi về giá vốn...

    Tổng tài sản chứng khoán của vợ chồng đại gia Trần Đình Long- ông chủ Hoà Phát đã tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm 2016. (Ảnh minh họa).

    Chủ tịch Hoà Phát nhận định, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn có thể đạt khoảng 5.000 tỷ đồng - mức kỷ lục của doanh nghiệp này. Đầu năm 2016, Công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã được thành lập. Mục tiêu của dự án này hoàn thành chuỗi thức ăn khép kín cho việc chăn nuôi của Hoà Phát và bán ra thị trường.

    Hiện công ty đã nhập khẩu 500 con lợn từ Đan Mạch về và xây dựng hệ thống khu chăn nuôi có sức chưa hơn 3.000 con bò. Hoà Phát tham vọng sẽ đạt doanh thu 15.000-20.000 tỷ đồng từ nông nghiệp. Ông Trần Đình Long cũng cho biết rất lạc quan với kế hoạch đầu tư này.

    Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát giàu cỡ nào?

    Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từ lâu đã luôn được biết đến với danh hiệu là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép. Ông hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán tập trung của Việt Nam. 

    Hòa Phát hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận khủng nhất ngành thép. Tập đoàn này tham gia sản xuất thép xây dựng và ống thép. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, nội thất, điện lạnh, thương mại...

    Từ năm 1996 đến năm 2005, Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Từ năm 1992 đến năm 1996, ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát.

    Bầu Long cũng được biết đến là một trong 2 người sắm máy bay riêng sớm nhất của Việt Nam.

    Sau bầu Đức thì ông bầu Long là vị đại gia thứ hai tại Việt Nam chơi “vượt tầm” khi vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng.

    Hơn 1 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long đã không còn sở hữu máy bay riêng sau khi bán chiếc EC 135P2i có giá vài triệu USD cho một doanh nghiệp Hồng Kông.

    Thông tin từ nhà chức trách hàng không cho biết cho đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có duy nhất ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu máy bay riêng.

    Trước đó, năm 2010, bầu Long có đăng ký sở hữu máy bay là chiếc trực thăng EC 135P2i có 6 chỗ ngồi.

    Đây là loại máy bay tầm thấp, không bay được vào đường hàng không mà bay phía dưới. Do đó mỗi chuyến bay đều phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.

    Ông Trần Đình Long đã thuê Công ty dịch vụ bay Miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i.

    Giá trị máy bay của đại gia này khoảng 5 triệu USD (tính cả thuế). Sau đó, ông còn phải tiêu tốn thêm 2 tỷ đồng mỗi tháng để nuôi chiếc máy bay triệu đô này.

    Mức tiền cụ thể được tính toán như sau: Để máy bay cất cánh được trên bầu trời, mỗi tháng ông chủ Tập đoàn Hòa Phát phải bỏ ra 300 triệu đồng để thuê phi công của Vietnam Airlines lái. Nếu tính cả tiền thưởng, và các chi phí khác phát sinh, chi phí cho phi công không chỉ dừng lại ở mức 300 triệu đồng.

    Bên cạnh đó, mỗi tháng ông Long phải ném vào đó thêm vài trăm triệu đồng để thuê bến đỗ. Vị đại gia này từng quyết định thuê nguyên một mảnh đất rộng chục hecta tại tỉnh Yên Bái để làm sân bay cho riêng mình.

    Ngoài chi phí thuê phi công, bãi đỗ, đại gia Trần Đình Long còn phải mất nhiều khoản phí khác như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa…

    Theo một nguồn tin thân cận của ông Long, cộng tất cả các chi phí lại, mỗi tháng đại gia Trần Đình Long phải mất trên dưới 2 tỷ đồng “nuôi” máy bay. Số tiền này có thể mua được một chiếc ô tô hạng sang.

    Kể từ thời điểm mua máy bay cho đến năm 2011, chỉ tính riêng tiền chi phí "nuôi" máy bay hàng tháng, vị đại gia này đã “đốt” khoảng hai chục chiếc ô tô hạng sang.

    Sau một thời gian sử dụng, bầu Long đã bán máy bay cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông.

    VinaCopter đã có văn bản đề nghị hướng dẫn các thủ tục về thuế vì chưa rõ cá nhân có được phép mua bán máy bay tại Việt Nam hay không, nếu được phép thì phải chịu các loại thuế gì.

    Kể từ sau khi bán máy bay EC 135P2i, Cục hàng không Việt Nam đã xoá đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay này. Từ đó đến nay ông Trần Đình Long không đăng ký sở hữu máy bay riêng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-chong-dai-gia-tran-dinh-long-gay-choang-voi-tai-san-tang-nghin-ty-a143658.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan