+Aa-
    Zalo

    Vô cảm hay là "sống nhân ái để đời không tê tái"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tranh cãi quanh việc dạy con sống vô cảm và bộ ảnh thành ngữ của thầy giáo “hot boy”.

    (ĐSPL) - Thực tế hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ thay vì dạy con sống có bản lĩnh, biết quan tâm và chia sẻ, lại cho rằng dạy con sống vô cảm có thể tránh được những cạm bẫy đau lòng. Tuy nhiên, điều đó có thực sự có lợi hay chỉ tạo ra một tâm hồn suy giảm yêu thương, ích kỷ vụ lợi sau này?

    Mới đây, bộ ảnh “Thành ngữ vui thanh niên chuẩn” được ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn giới thiệu nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một trong những câu trả lời rõ nét nhất cho nghi ngại này.

    Thông điệp về lối sống đẹp

    Chịu trách nhiệm về mặt nội dung của bộ thành ngữ vui này chính là thầy giáo trẻ “hot boy” Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cùng các sinh viên lớp Tâm lý học K37, trường đại học Sư phạm TP. HCM. Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, thầy Khắc Hiếu cho biết: “Ý tưởng độc đáo này được triển khai theo dự án Thanh niên chuẩn do ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn thực hiện nhằm kêu gọi đoàn viên, thanh niên cả nước hưởng ứng cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới. Bộ ảnh gồm 20 bức tranh vẽ chì với 20 câu nói chọn lọc từ hàng trăm câu nói vui qua rất nhiều buổi học ngoại khóa của lớp sinh viên K37”.

    Cũng theo thầy Hiếu, mục đích thực hiện bộ ảnh nhằm mang đến cho các bạn thanh niên thông điệp về lối sống đẹp, sống có ích một cách nhẹ nhàng, trẻ trung qua những câu nói vần vui, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc.

    Mặc dù mới ra đời nhưng bộ ảnh đã được các bạn trẻ đón nhận một cách nồng nhiệt, lan truyền trên nhiều trang mạng, diễn đàn. Trước đó, cuốn sách “sát thủ đầu mưng mủ” đã nhận được không ít phản pháo vì dư luận cho rằng, đó chỉ là những câu nói vô bổ. Thậm chí có ý kiến khắt khe quá mức còn cho rằng, đó là định hướng sống tiêu cực. Nay, hoàn toàn ngược lại, bộ ảnh thành ngữ vui được kỳ vọng cạnh tranh và mang lại những hiệu ứng tốt đẹp cho xã hội, nhất là với giới trẻ đang sống trong nhiều cạm bẫy.

    Thầy Hiếu tâm sự, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là việc làm sao cô đọng những bài tuyên truyền dài, nhiều nội dung nhỏ thành một câu nói ngắn nhất có thể, mang vần điệu dễ hiểu và bao hàm được hết nội dung khái quát nhất của vài ba trang giấy. Nếu mang những tài liệu đó ra đọc thì chắc chắn, khó có bạn trẻ nào có thể đủ kiên nhẫn để nghe đến câu cuối cùng. Vận dụng một môn trong chương trình dạy học của mình, thầy Hiếu đã kêu gọi sự sáng tạo của chính sinh viên. Những hình ảnh vui lồng ghép câu nói vui khuyên thanh niên biết suy nghĩ tích cực, giúp đỡ người xung quanh, gạt bỏ điều xấu, nhân rộng những việc làm tốt, ví dụ như: Yêu nước không ngại trầy xước, tâm có trong dù bẻ cong vẫn thẳng, gặp dối trá quyết không tha, gặp khó đừng có kêu ca, trung thực dù đời cơ cực, có trách nhiệm chứ đừng trách móc… Đó là những giá trị sống tốt đẹp và phẩm chất đạo đức cần phải có của một thanh niên mẫu mực dù ở thời đại nào cũng cần đến.

    Vô cảm hay là
    Thầy giáo "hot boy" Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

    “Sống nhân ái đời không tê tái”

    Chị Phan Thị Thanh Phương, cán bộ một công ty xây dựng quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, mỗi ngày chị đều nghe, đọc, xem trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi lừa gạt tinh vi xảo quyệt của những đối tượng xấu. Có khi chỉ cần “bị” nhờ mở hộ một chiếc điện thoại hay hỏi thăm đường, nhờ mang đồ đến chỗ nọ chỗ kia mà bị lừa hết gia sản, thậm chí nguy hại đến tính mạng. Bởi thế, dù bận đến mấy, chị và chồng đều sắp xếp thời gian đưa đón “cậu ấm” đi về các buổi học dù “cậu ấm” nhà chị năm nay đã chuẩn bị thi vào đại học. Khẩu hiệu mà vợ chồng chị nhắc nhở con mỗi ngày, mọi lúc mọi nơi là “Không biết, không nghe, không thấy”.

    Chị nói: “Thà bắt con sống vô cảm còn hơn để cháu gặp hại. Nhà có mỗi mụn con, có chuyện gì xảy ra với nó thì vợ chồng tôi không sống nổi”. Còn anh Hoàng An, Đội Cấn, Ba Đình thì cho rằng, đến bản thân mình, muốn sống được bình yên ở nơi phố thị đầy cạm bẫy còn phải tập cách làm ngơ với tất cả. Anh kể, một lần trên phố vắng thấy cô gái bị cướp túi xách, anh không ngại nguy hiểm đuổi bắt kẻ cướp. Chẳng ngờ, kẻ cướp chưa kịp mất hút thì anh bị một toán thanh niên lao tới lột hết ví và tài sản giá trị trên người vì nghĩ anh chính là... kẻ cướp. "May mà tôi kịp la lên khi có một vài người đi tới, không thì lần đó tôi đã mất cả xe máy rồi", anh An bức xúc khi nhớ lại. Bởi vậy, “rút kinh nghiệm sâu sắc”, anh nhất định dạy con phải sống vô cảm với đời để được yên thân.

    Trước những tình huống trớ trêu như vậy, thầy Khắc Hiếu nhận định: Tất nhiên, xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ lụy khó lường và việc con người e dè, sợ sệt nhìn nhau mà sống là khó tránh. Nhưng hãy thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó, chính người thân của bạn cũng gặp những sự thể không may và cần được giúp đỡ, mà chỉ vì ai đó sợ phiền lụy, sợ phải vạ mà bỏ mặc khó khăn thì người thân của bạn sẽ ra sao? Bởi thế, hãy chọn lọc cho mình những điều hay lẽ phải và tin rằng khi giúp đỡ một người nào đó sẽ có một người khác giúp đỡ bạn vào một tình huống khác.

    "Hãy cứ sống với tất cả yêu thương để có được sự bình yên thanh thản, tự đáy sâu tâm hồn. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện bộ ảnh muốn gửi đến tất cả mọi người qua câu "sống nhân ái đời không tê tái". Có thể nghe thoáng qua nó chỉ là một câu nói vui, nhưng nếu nói đi nói lại nhiều lần, chắc chắn mỗi người sẽ tự ngẫm được một điều gì đó và tự điều chỉnh hành vi, lối sống của mình cho phù hợp", thầy Khắc Hiếu chia sẻ. Thầy giáo "hot boy" cũng cho biết trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình thực tế hưởng ứng cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời đại mới của Trung ương Đoàn.

    Những câu nói... thời thượng

    Ông Lê Quang Tự Do, Phó Trưởng ban thường trực ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, người trực tiếp chỉ đạo dự án này cũng đặt nhiều niềm tin: “Bộ ảnh thành ngữ vui thanh niên chuẩn sẽ là những câu nói thời thượng, có thể trở thành những câu cửa miệng của các bạn trẻ trong thời gian tới. Như vậy chỉ cần nói ra một câu, các bạn trẻ đã có thể định hướng cách ứng xử, lối sống và tư cách của chính mình”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vo-cam-hay-la-song-nhan-ai-de-doi-khong-te-tai-a27867.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan