(ĐSPL) - Trong tình hình nợ xấu gia tăng như hiện nay, giải quyết nợ xấu đang là một bài toán khó đối với công ty Quản lý và khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC). Mới đây, thông tư 09 được ban hành, cho phép các ngân hàng lùi lại thời gian phân lợi nợ tới đầu năm 2015, đã gây “khó” thêm cho tổ chức này.
Câu chuyện về nợ xấu đang là một vấn đề nan giải của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu đã trao nhiệm vụ cho công ty Quản lý và khai thác Tài sản Việt Nam (VMAC). Nhưng để đưa được nợ xấu, từ con số 9\% xuống 3\% là một kết quả khó, trong tình hình gia tăng nợ xấu hiện nay.
Thống kê của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ tháng 10/2013 đến 31/12/2013, VAMC đã mua gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu với số trái phiếu đặc biệt, trị giá 31.000 tỷ đồng của 35/36 tổ chức tín dụng và đã thu hồi được khoảng 200 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ mua lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC cho biết, sẽ thành lập Ủy ban Xử lý và cơ cấu nợ, nhằm tiếp tục phân loại đánh giá các khoản nợ xấu để xử lý, đưa về mức lãi suất hấp dẫn nhất. Hiện nhiều tổ chức tín dụng cũng đã gửi hồ sơ đề nghị VAMC mua thêm nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng: “Nợ xấu là một trong những vấn đề lớn của ngân hàng cũng như doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Tất nhiên, Chính phủ và NHNN rất quyết liệt trong việc liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cũng như nợ xấu. Về cơ bản, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng hướng, tuy nhiên để đưa nợ xấu xuống dưới 3\%, cần nhiều chính sách quyết liệt hơn nữa”.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay có trường hợp ngân hàng nợ xấu còn cao hơn vốn điều lệ, nghĩa là ngân hàng đang hoạt động với vốn điều lệ âm. Để giải quyết được tình trạng này thì VAMC sẽ phải hoạt động một cách quyết liệt hơn, với những chính sách triệt để hơn.
Trả lời trong họp báo thường kỳ của NHNN vào ngày 28/2 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch VAMC cho biết: “Năm 2014, VAMC lên kế hoạch mua nợ từ 70 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt. Trước mắt trong quý I/2014, VAMC đặt mục tiêu mua 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, hiện đang thẩm định mua 7.000 tỷ đồng nợ xấu”. Tuy nhiên lãnh đạo VAMC thừa nhận, việc xử lý, mua bán nợ xấu thời điểm này không thể nhanh, đơn giản, do vướng mắc ở nhiều khâu.
Một trong những khâu vướng mắc nhất hiện nay của VAMC, đó là rào cản về pháp lý trong việc mua - bán nợ xấu. Đặc biệt là vấn đề liên quan tài sản thế chấp là bất động sản.
|
Trong khi tình hình nợ xấu còn đang gia tăng, việc đưa được nợ xấu giảm từ con số 9\% xuống 3\% là một bài toán khó cho VAMC. |
Hiện, có những vụ tranh chấp, phát mại tài sản chủ yếu là bất động sản giữa khách hàng, ngân hàng và cơ quan thi hành án kéo dài. Trong khi, khoản nợ mà VAMC đã mua, lại chiếm 60 đến 70\% liên quan đến bất động sản.
Hơn nữa, thời gian qua, giá bất động sản giảm mạnh, thì việc xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản bảo đảm bằng bất động sản đối với trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, lại là một bài toán không hề dễ cho VAMC.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Việc xử lý nợ xấu qua công ty VMAC đến nay, vẫn đang ở con số rất khiêm tốn, chưa xử lý được bao nhiêu. Nợ xấu làm xói mòn lợi nhuận, xói mòn vốn chủ sở hữu và ảnh hưởng tới khả năng cấp vốn cho thị trường, làm cho các ngân hàng suy yếu. Vì vậy, xử lý nợ xấu cần nhanh hơn và dứt điểm qua VAMC. Đồng thời, các ngân hàng phải sẵn sàng chấp nhận lỗ ở một mức nhất định nào đó”.
Thông tư 09/2014/TT-NHNN (TT09) được hành ngày 18/3/2014 vừa qua cũng đã gây khó cho hoạt động của VAMC. Thông tư cho phép các ngân hàng lùi lại thời gian phân lợi nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) tới đầu năm 2015.
Thông tư TT09 gây khó cho hoạt động của VAMC vì hoạt động của tổ chức này phụ thuộc rất lớn vào việc xác định chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Khi các ngân hàng được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn, thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm.
Tuy nhiên, để tình hình nợ xấu bớt căng thẳng và giúp các tổ chức tài chính, doanh nghiệp minh bạch hơn thì vai trò của VAMC rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định: “Sức ép về nợ xấu vẫn đang còn rất nặng nề nhưng tổng thể nợ xấu năm 2014 có thể được cải thiện, không chỉ bởi nỗi lực của mỗi doanh nghiệp, dự phòng rủi ro thông của các tổ chức tín dụng và thông qua VAMC”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vmac-chua-the-tri-dut-diem-duoc-no-xau-a27653.html