Trong phần đối đáp với luật sư, đại diện VKS tiếp tục khẳng định lập trường truy tố tội danh đối với bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là hoàn toàn đúng.
Ngày 15/1, tiếp tục đối đáp quan điểm của luật sư, VKS cho rằng, bị cáo cho PVC làm tổng thầu hoàn toàn xuất phát từ ý thức chủ quan của bị cáo mà không tuân thủ theo một tiêu chí hay quy định pháp luật nào.
VKS đối đáp với quan điểm của luật sư |
Vị đại diện VKS trình bày: Theo quy định của luật Xây dựng, lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo theo quy định của pháp luật; đủ điều kiện tham dự mọi dự án. Ngoài lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận thì PVC chưa từng làm tổng thầu cho dự án nào, chưa có kinh nghiệm.
Về ý kiến của các luật sư cho rằng bị cáo Đinh La Thăng không chỉ đạo nên không có lỗi. Tuy nhiên, VKS cho rằng PVN là Cty TNHH MTV do Nhà nước thành lập, phải kinh doanh có lãi, bảo toàn vốn tại PVN và các doanh nghiệp khác. Đối với bị cáo Đinh La Thăng, chủ tịch HĐTV, toàn bộ tài sản đều được nhân dân ủy thác cho bị cáo nhằm phát huy tài sản của người dân góp vào PVN.
Trên cơ sở tài liệu chứng cứ, các căn cứ pháp luật, VKS xét thấy có đủ căn cứ chứng minh bị cáo Đinh La Thăng phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 165, Bộ luật hình sự năm 1999.
Dẫn chứng là bị cáo đã chỉ định thầu, ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định thầu cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, gửi danh mục các dự án; từng bước tiếp cận để lựa chọn nhà thầu.
Tiếp đến, về việc bị cáo khai do ép tiến độ nên để xảy ra sai phạm. Vị đại diện VKS nói cấp dưới thừa nhận sai phạm, cấp trên lại không thừa nhận nên cảm thấy buồn vì điều này.
Tiếp đến, đối đáp về nhóm tội Tham ô tài sản, VKS nói 8/10 bị cáo trong nhóm tội này đã thừa nhận sai phạm của bản thân và xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng. Duy nhất Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận tội Tham ô.
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh cho rằng không có chứng cứ xác định bị cáo Thanh chủ mưu chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ và không có hành vi chiếm đoạt 4 tỷ đồng của PVC. Cùng với đó, luật sư cũng đưa ra chứng cứ ngoại phạm cho thân chủ của mình rằng vào thời gian lúc 15h ngày 13/1/2012 bị cáo đang trên đường ra sân bay thì không thể nào nhận được túi tiền từ “thuộc cấp”, chưa kể lời khai của các bị cáo Hòa, Hiển và Minh có nhiều điểm mâu thuẫn.
Tuy nhiên, VKS căn cứ lời khai của các bị cáo liên quan, cụ thể là các bị cáo dưới quyền Thanh – Thuận đều khai hai bị cáo này chỉ đạo lập hồ sơ khống. Thuận khai tháng 10/2009 khi được bổ nhiệm TGĐ PVC thì thấy PVC đã có chủ trương yêu cầu các đơn vị chuyển tiền về Tổng Công ty để đối ngoại.
Nguyễn Anh Minh cũng khai chủ trương này do Thanh – Thuận thống nhất sau đó triển khai đến các đơn vị thành viên, giao Bùi Mạnh Hiển làm đầu mối nhận tiền về. Điều này cũng được bị cáo Hiển xác nhận trong quá trình thẩm vấn.
Căn cứ vào cả lời khai của nhân chứng là ông Nguyễn Văn Kế (lái xe của Nguyễn Anh Minh) thì vào khoảng đầu giờ chiều 13/1/2011, người này đã gọi cho Toàn, lái xe của bị cáo Thanh, chuyển 4 tỷ đồng sang xe của bị cáo, sau đó Toàn lái xe chở bị cáo Thanh về nhà ở Ciputra.
Toàn khai 14h nhận túi tiền, sau khoảng 5-10 phút, bị cáo Thanh gọi điện yêu cầu đưa về Ciputra, trên đường về, Toàn có nói Kế gửi quà cho anh.
Cùng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố về hai tội danh là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Tư Viễn