Ngày 14/1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng 21 đồng phạm trong vụ án kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN và PVC.
Chiều muộn 13/1, hai bị cáo là ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã tự bào chữa cho mình trước những hành vi bị VKS cáo buộc. Tiếp diễn phiên tòa ngày 14/1, lần lượt các bị cáo còn lại trong vụ án cũng có lời tự bào chữa.
Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN trình bày: "Với một đặc thù như PVN có trên 60.000 cán bộ công nhân viên, trải dài khắp từ Bắc vào Nam và hơn 10 nước trên thế giới. Việc điều hành một tập đoàn lớn như vậy, bị cáo phân công, phân quyền để đảm bảo mỗi một lĩnh vực phục trách đều có người thực hiện. Bản thân bị cáo luôn thực hiện cũng như đôn đốc cấp dưới thực hiện theo pháp luật".
Bị cáo Phùng Đình Thực (phải), nguyên Tổng Giám đốc PVN. |
Theo cáo trạng, bị cáo Thực bị VKS truy tố đã cùng Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng 1.115.868.979.065 đồng không đúng mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119.804.660.196 đồng.
Bị cáo Thực nói cá nhân bị cáo không đề xuất và chỉ đạo trong việc chỉ định thầu. Mà thay vào đó, bị cáo Thực nói đã có văn bản chỉ đạo BQL dự án xây dựng phương án thành lập liên danh tổng thầu. “Việc chỉ định PVC đã báo cáo Chính phủ, bị cáo yêu cầu các đơn vị ký HĐ 33 theo đúng quy định của pháp luật”, bị cáo Thực nói.
Về hành vi chỉ đạo BQL dự án cấp tạm ứng cho PVC 4 lần với hơn 1.300 tỷ đồng và 6 triệu USD, 3 lần bị cáo không có ý kiến nhưng vẫn được cấp vốn, 1 lần bị cáo có bút phê nhưng không được thực hiện. Bị cáo Thực khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào để BQL tạm ứng cho PVC, kể cả bằng miệng hay văn bản.
“Chứng kiến nhiều lãnh đạo Tập đoàn vướng vào vòng lao lý bị cáo vô cùng đau xót. Bị cáo không thể tưởng tượng được là ngày hôm nay phải đối mặt mức án bị VKS đề nghị 12-13 năm tù”, bị cáo Thực nói.
Tiếp theo là bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN bị VKS đề nghị mức án từ 10–11 năm tù cũng có đôi lời tự bào chữa cho hành vi sai phạm của mình.
Bị cáo Khánh nói trong quá trình điều tra bản thân bị cáo đã thành khẩn khai báo, giao nộp các tài liệu chứng cứ cho cơ quan điều tra, giúp sớm kết thúc công tác điều tra cho dù thời gian đó bị cáo đang trong thời gian họp Quốc hội.
Bị cáo Khánh thành khẩn nhận trách nhiệm của mình mặc dù sai phạm là do cấp dưới thực hiện. Bị cáo rất ân hận và cũng đã nhờ luật sư làm việc với gia đình vay mượn nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả, dù chưa biết tội của bị cáo đến đâu, giúp cho lương tâm bị cáo được thanh thản và đây cũng là bài học cho những người khác phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Bị cáo Khánh mong muốn HĐXX, VKS xem xét cho bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, đây cũng là bài học cho tất cả những người khác.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN nói rằng đến khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết mình làm sai liên quan đến Hợp đồng 33. Bị cáo Sơn cho rằng mình là một trong những mắt xích trong cả quá trình, mà quá trình sai thì mình cũng sai.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN. |
Bị cáo Sơn nói bản thân đã tích cực hợp tác với cơ quan nói hết những gì bị cáo biết và nhớ về vụ án để cơ quan điều tra hiểu đúng bản chất vụ án.
Liên quan đến kết luận giám định, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng kết luận này không đủ cơ sở pháp lý để tính toán.
“Năm 2011 quy định của NHNN ban hành lãi suất cơ bản 9%, luật dân sự quy định cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản, bây giờ lấy mức 14% ngang với cho vay nặng lãi thì không ổn”, Nguyễn Xuân Sơn nói trước tòa. Đồng thời bị cáo Sơn cũng cho rằng nếu theo cách tính toán của mình thì số tiền gây thiệt hại khoảng 15 tỷ chứ không phải là 150 tỷ đồng.
Bị cáo Sơn cũng trình bày trước HĐXX rằng: "Trong các vụ án hình sự, nếu truy xét thiệt hại thì phải truy đến cùng vị trí cuối cùng của đồng tiền, nó đã đem lại hiệu quả và phải thu hồi cả gốc và lãi để bù trừ cho khoản thiệt hại này. Qua đó có thể thấy hiệu quả có thể cao hơn vì PVC đã trả nợ ngân hàng, giảm lãi vay".
Về hành vi tạm ứng tiền sai, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng đó là nhóm cán bộ PVN và nhóm cán bộ BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2.
“Thực chất có 2 quy trình khác biệt nhau, quy trình PVN cấp vốn cho BQL là quy trình nội bộ. Việc tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của bị cáo Vũ Hồng Chương và Trần Văn Nguyên. Nếu truy tố xét xử bị cáo Lê Đình Mậu thì không thỏa đáng. Kính mong HĐXX có xem xét đặc biệt đối với anh Lê Đình Mậu, tôi cho rằng trách nhiệm của anh Lê Đình Mậu thuộc về tôi và anh Ninh Văn Quỳnh”, bị cáo Sơn nói.
Bị cáo Sơn cũng nói mình đã hy sinh cả bản thân cho công việc, bị cáo cũng suýt chết vì tai biến mạch máu trong quá trình làm việc. Nếu bị cáo có hy sinh trong quá trình công tác mà vì lợi ích quốc gia thì cũng không có gì phải ân hận.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng nói thêm, có lẽ người gắn bó lâu năm trong ngành là ông Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC. Ông Quý có tư chất hiền lành, chủ yếu làm công tác đoàn thể, công tác đảng. Nhưng trong cơ cấu tổ chức, những con người như bị cáo Quý vô tình rơi vào lòng lao lý, do vậy mà bị cáo Sơn cũng xin HĐXX xem xét không cách ly bị cáo Quý ra khỏi xã hội thì là điều mừng cho ngành dầu khí.
Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó TGĐ PVC nói xin nhận trách nhiệm và xin HĐXX xem xét hành vi của các bị cáo ở BĐH để giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Sáng mai, đúng 8h, HĐXX tiếp tục làm việc, VKS đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư.