Tính đến 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 5,2 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế khoảng 40.850 lượt, khách nội địa khoảng 5,14 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 57,5% so với kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch đặc trưng; thực hiện tốt các quy định về ứng xử văn hóa, văn minh với du khách, bảo đảm hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong, ngoài nước. Cùng với đó, tổ chức thành công các hoạt động du lịch xuân 2023, khai mạc Du lịch chào hè 2023 với chủ đề Vĩnh Phúc bốn mùa tình yêu; khai trương Cổng thông tin điện tử - App du lịch thông minh tỉnh Vĩnh Phúc nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước. Phấn đấu đạt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách, doanh thu lĩnh vực du lịch ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng trong năm 2023, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đang triển khai các giải pháp phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, cùng với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến du lịch nhất là trên nền tảng số, thông qua các hội nghị xúc tiến du lịch và khuyến khích các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và chuẩn bị nhân lực phục vụ khách du lịch. Ngành đẩy mạnh tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; thực hiện tốt các quy định về ứng xử văn hóa văn minh với du khách, bảo đảm hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Tổ chức nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc với chủ đề “Vĩnh Phúc ‑ Xuân về mang đến yêu thương”, triển lãm quảng bá du lịch chủ đề “Vĩnh Phúc ‑ Du lịch qua miền di sản”, lễ hội ẩm thực Vĩnh Phúc, khảo sát “Phát triển sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc năm 2023"…
Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; coi trọng việc ứng xử giao tiếp lịch sự, đúng chuẩn mực, văn hóa, văn minh tại các khu du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và ý thức cộng đồng địa phương về phát triển du lịch. Đồng thời, hoạt động quảng bá du lịch Vĩnh Phúc với thị trường trong nước và quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn... Du lịch phát triển phong phú và đa dạng, giúp hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định…
Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nhiều dự án quy hoạch lớn như quy hoạch Khu du lịch Tam Đảo, quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo… Với chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi. Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.
Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến khách du lịch và danh tiếng của ngành du lịch tỉnh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, tỉnh chủ trương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là hướng dẫn viên và người dân sinh sống tại các điểm tham quan. Đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch tạo sự thuận tiện cho khách du lịch mỗi khi di chuyển. Đồng thời thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm. Các hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Để chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2/9. Ngày 30/8, công trình cầu Vĩnh Phú bắc qua Sông Lô của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng đã giúp người dân Vĩnh phúc và Phú Thọ đi lại thuận lợi, tăng cường giao thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch.
Tiếp tục tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Tích cực xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Vĩnh Phúc. Qua đó, kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.
Minh Thu - Đồng Huyền