Kết quả năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc về cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được hơn 2.100 đảng viên, vượt 10% chỉ tiêu, phát triển được 33 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, vượt 300% chỉ tiêu, đặc biệt đã phát triển được 5 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI, đây là kết quả lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh đạt được sau nhiều năm gặp khó khăn. Năm 2022, 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu; kinh tế của tỉnh đã có sự phục hồi, tăng trưởng 9,54%-cao nhất từ năm 2014 đến nay; tổng thu ngân sách đạt kỷ lục trên 40.000 tỷ đồng, trong đó 90% là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng/người/năm, nằm trong nhóm 10 địa phương có GDP bình quân đầu người cao nhất cả nước. Đây là bước tiến lớn vì cách đây 25 năm, với chưa đầy 2 triệu đồng/người/năm, Vĩnh Phúc đứng thứ 57/61 tỉnh, thành trên cả nước về chỉ số này. Về môi trường đầu tư, Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất cả nước; đứng thứ 5 về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), và đứng thứ 12 về chỉ số chuyển đổi số.
Song song là các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế cũng đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm và giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao khi hầu hết các thiết chế văn hóa cơ sở đều được người dân sử dụng có hiệu quả. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, để người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển kinh tế.
Nhằm Khai thác mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các buổi Hội thảo lấy ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đối với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, Quy hoạch đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận...Theo báo cáo Quy hoạch, tỉnh sẽ khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khai thác những động lực mới cho tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu trên, Vĩnh Phúc đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển. Trong đó công tác giải quyết các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh trong quá trình phát triển thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển cũng như tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương, từ đó định hình những đột phá chiến lược trong phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời tiếp tục phát huy thế mạnh của tỉnh trong phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, chế tạo linh kiện điện tử…, đồng thời tạo động lực mới thông qua việc khai thác các tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch (3 sản phẩm chủ đạo, 3 sản phẩm bổ trợ), dịch vụ và logistics, nông nghiệp công nghệ cao. Những động lực phát triển mới sẽ giúp nền kinh tế cân bằng và thích ứng tốt với những xu thế, bối cảnh phát triển của quốc gia và thế giới trong giai đoạn tới. Liên tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; cân bằng thu hút đầu tư gắn với phát triển công nghiệp sạch. Tập trung giải quyết vấn đề chênh lệch giữa GRDP/người và thu nhập bình quân đầu người để người dân Vĩnh Phúc được hưởng nhiều hơn các thành quả từ phát triển kinh tế.
Hướng đến cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư cũng như các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tập trung cải thiện các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, tính minh bạch… Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao vai trò và vị thế của doanh nghiệp đầu tư trong nước (DDI).
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh, đô thị xanh và phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giao thông nội tỉnh cũng như liên tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng phát triển thông qua việc đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng như: đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, đường ven chân núi Tam Đảo, đường trục Mê Linh kéo dài kết nối hồ Đại Lải, đường trục Bắc Nam kết nối với Hà Nội qua cầu Vân Phú, đường tránh Quốc lộ 2C, đường kết nối Đại Lải - Nội Bài, đường nối Tam Đảo 1 - Tam Đảo 2, đường dẫn cầu Hải Lựu kết nối tỉnh Phú Thọ, hệ thống đường vành đai tỉnh…
Bám sát quy hoạch tình hình thực tế: Từ lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh đều nhất trí với các nội dung do đơn vị tư vấn báo cáo tại Hội thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, quá trình lập quy hoạch cần bám sát hơn nữa tình hình thực tế của các địa phương. Đơn cử, với TP. Vĩnh Yên, khi lập quy hoạch cần quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm giảm tải cho hạ tầng xử lý nước thải hiện có. Quan tâm quy hoạch địa điểm, xây dựng nhà máy nước sạch tập trung, khu vực xử lý rác thải cho Thành phố và hệ thống nghĩa trang tại các xã, phường.
Định hướng quy hoạch cần phải ưu tiên những ngành, nghề phục vụ thu ngân sách nội địa. Đồng thời, cần giữ vững quan điểm đầu tư hạ tầng giao thông là đầu tư cho tương lai. Vĩnh Phúc cần thiết phải có một tuyến trục giao thông trung tâm để làm điểm nhấn của Tỉnh, do đó phải xác định rõ nhiệm vụ đầu tư mở rộng Quốc lộ 2 trong thời gian tới. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống sân golf đạt chuẩn quốc tế, bởi đây là cách tiếp cận trực tiếp, hiệu quả và nhanh nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải và hơn cả, phải hạn chế tối đa sự chồng chéo trong quá trình quy hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết: Trong các báo cáo thực hiện chương trình nhiệm vụ, yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch để việc lập và triển khai quy hoạch đạt hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh và bổ sung những nội dung đề xuất vào quy hoạch. Trong quá trình điều chỉnh, cập nhật, cần phân tích rõ những ưu thế, thuận lợi cũng như khó khăn, hạn chế của tỉnh và đưa ra các giải pháp cụ thể. Đồng thời, phân tích làm rõ thêm một số khái niệm (vùng động lực; vành đai kinh tế, vành đai phát triển...). Bổ sung quy hoạch các cảng sông, hệ thống kho vận; hệ thống thoát nước thải, thu gom, xử lý rác thải và khẩn trương lập báo cáo tổng quan, tóm tắt quy hoạch.
Hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu của cả nước. Đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hiện đại, sạch đẹp, kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và đáng sống. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành.
Minh Thu - Đồng Huyền