+Aa-
    Zalo

    Viettel có Tổng giám đốc mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ông Nguyễn Mạnh Hùng được coi là "linh hồn Viettel - người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân” đã chính thức làm Tổng giám đốc Viettel.

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông nhận định là  "linh hồn Viettel - người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân” đã chính thức được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.

    Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sỹ viễn thông ở Australia, thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả của họ cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009).

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông nhận định là "linh hồn Viettel - người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân”. Năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường Viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoIP). Đây là dịch vụ viễn thông đầu tiên được mở ra để cạnh tranh trên thị trường viễn thông lúc bấy giờ. Thời điểm đó tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỷ đồng.

    Viettel có Tổng giám đốc mới
    Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Viettel cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.

     

    Đến thời điểm này, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2013, Viettel tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng lưới. Tổng doanh thu của Viettel năm 2013 vượt VNPT hơn 43.886 tỷ đồng, số thuê bao duy trì trên mạng của Viettel cũng đã vượt VNPT hơn 13,8 triệu thuê bao.

    Không chỉ phát triển thần tốc tại Việt Nam, Viettel đã vươn ra đầu tư thị trường nước ngoài. Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 sẽ có thị trường lớn hơn trong nước với quy mô thị trường 400 - 500 triệu dân vào 2015 và sẽ đạt quy mô thị trường đạt 1 tỷ dân vào năm 2020.

    Xuyên suốt quá trình phát triển thần tốc của Viettel đó có vai trò to lớn của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc của Viettel. Ông Hùng được các đối thủ nhìn nhận là người có tầm nhìn xa, có chiến lược tốt và có tài lãnh đạo.
    Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng được đánh giá là giữ sức tăng trưởng của Viettel trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam có nhiều thay đổi và việc đầu tư nước ngoài cũng khó khăn hơn.

    Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra chiến lược của Viettel từ bỏ khái niệm là nhà cung cấp viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ. Trước sức ép từ các dịch vụ OTT, "miếng bánh alô" của các doanh nghiệp viễn thông đang bị co lại. "Viettel hôm nay cũng bắt đầu ì ạch và chúng tôi cần một cú huých, một sự đe doạ về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, để sáng tạo. Bình thường con người rất ít khi chủ động đi tìm cái mới nếu như mình đang yên ổn. Khi đang ổn, họ nghĩ đến việc hưởng thụ. Không phải vô cớ mà Steve Jobs luôn rất nhấn mạnh từ “Đói khát”. “Đói khát” là động lực rất quan trọng của quá trình đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, sự co lại của "dịch vụ alô" là một cơ hội, một cú huých cho Viettel' ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng còn cho biết, Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng. Đối với quốc gia và đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm dể nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng, bởi đây chính là cơ sở hạ tầng tương lai cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng.

    Chiến lược lâu dài của Viettel đến 2020 là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư quốc tế để trở thành 1 trong 10 Công ty đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới. Viettel cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị quân sự, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin để đưa Việt Nam trở thành một nước có tên tuổi trong ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao.

    Theo ICTnews

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viettel-co-tong-giam-doc-moi-a22861.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan