(ĐSPL) - Ngày thứ 5 với kế hoạch mở rộng khu vực tìm kiếm máy bay mất tích, tàu nghiên cứu biển hiện đại nhất Đông Nam Á mang tên giáo sư Trần Đại Nghĩa cũng đã được huy động.
17h: Trong buổi báo cáo kết quả tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích với Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhận định: “Với lực lượng dày đặc, tần suất tìm kiếm liên tục, và thời tiết tốt, gió nhẹ, tầm quan sát xa nhất trên biển, thêm vào đó, trên khu vực vịnh Thái Lan và phía Nam Cà Mau, tàu cá chúng ta hoạt động rất nhiều mà cũng không phát hiện bất kỳ dấu vết gì của MH 370 thì có thể nói ít có khả năng máy bay MH 370 rơi trên vùng biển nước ta, bởi giả sử, nếu máy bay nổ trên không khi chưa vào cùng biển Việt Nam hay rơi trong vùng biển Việt Nam thì chắc chắn phải để lại dấu vết”.
15h50: Ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Đầu giờ chiều nay có nhận được một thông báo qua email của người nước ngoài có quốc tịch Newzeland báo tin có nhìn thấy một một vệt sáng lạ nghi là có liên quan đến máy bay mất tích trên biển Vũng Tàu. Chúng tôi đã cử một máy bay máy bay AN26 ra kiểm tra xác minh nhưng vẫn chưa có phát hiện gì mới".
Đoàn cán bộ trung tâm vẫn đang làm việc rất tích cực. |
15h45: Tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Tổng công ty quản lý bay Việt Nam), đoàn cán bộ trung tâm vẫn đang tích cực phân tích, nhìn nhận từng góc độ thông tin từ trong nước và quốc tế để triển khai kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích.
Vào lúc 15h30, thủy phi cơ DHC6 đã cất cánh từ sân bay Phú Quốc ra biển tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích. Nơi DHC6 thực hiện nhiệm vụ là vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia, cách đảo Phú Quốc khoảng 240km.
15h30: Phát biểu chỉ đạo tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định, hiện tại về phía Malaysia vẫn chưa có chính thức có thông báo kết luận liên quan đến thông tin về chiếc Boeine 777 mất tích, nên việc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục được tăng cường.
Về phương án tìm kiếm, chúng ta sẽ giảm bớt tần suất tìm kiếm tại các khu vực đã tìm kiếm mấy ngày qua và mở rộng vùng tìm kiếm ra hai bên của hướng bay. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm trên bộ, tuyên truyền, thông báo cho người dân trên bộ cũng như ngư dân trên biển biết để báo tin cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện vấn đề nghi ngờ có liên quan đến máy bay.
15h20: Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, kế hoạch tiếp theo chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm, thậm chí cần mở rộng vùng tìm kiếm sang 2 bên.
Số lượng phương tiện tìm kiếm máy bay MH 370 ngày 12/3. |
Ngày mai, sẽ giảm tần suất hoạt động của máy bay, sẽ chỉ còn một chuyến AN 26 và một chuyến CASA, các máy bay khác sẵn sàng chờ lệnh, khi có yêu cầu sẽ vào cuộc tìm kiếm.
Sơ đồ hoạt động của hệ thống các tàu biển và máy bay nhằm tìm kiếm máy bay mất tích. |
15h10: Đại tá Vũ Thế Chiến - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện Malaysia đang chuyển hướng tìm kiếm trên bộ về phía eo biển Malacca.
14h50: Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tàu HQ 888 - chiếc tàu nghiên cứu biển hiện đại bậc nhất Đông Nam Á mang tên giáo sư Trần Đại Nghĩa đang thực hiện nhiệm vụ Dự án 198, được trang bị rất hiện đại nhưng lại chạy chậm nên nếu giả sử phát hiện mục tiêu dưới biển thì dùng HQ 888 để đo tia là tương đối tốt. Nhưng hiện chúng ta vẫn chưa phát hiện được mục tiêu có ở dưới biển hay không, nên đề xuất đưa tàu HQ 888 về vị trí cũ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trước đó, tránh gây lãng phí.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang nghe báo cáo về tình hình tìm kiếm máy bay mất tích. |
13h30: Tàu nghiên cứu biển hiện đại nhất Đông Nam Á mang tên giáo sư Trần Đại Nghĩa vào cuộc tìm kiếm đã vài ngày nay.
Tàu nghiên cứu biển hiện đại nhất Đông Nam Á vào cuộc tìm kiếm máy bay mất tích mấy ngày nay. |
12h10: Báo Giao Thông Vận Tải đưa tin, chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8/3. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng bộ này sẽ điều 2 máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) và 2 máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia cuộc tìm kiếm.
11h: Tin tức từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Tổng công ty quản lý bay Việt Nam) cho biết, sáng nay, các tàu bay AN26 và Casa tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Nam, Đông Nam mũi Cà Mau.
Ngày 11/3, Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 tàu bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia bay tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia. Lúc 08h10 hôm nay (12/3), máy bay IL-76 đã qua ranh giới FIR Hồ Chí Minh vào khu vực tìm kiếm.
Ngoài ra, các máy bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh.
10h30: Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, kế hoạch tìm kiếm trong ngày hôm nay có 31 tàu, trong đó Việt Nam có 9 tàu, Malaysia có 9 tàu, Trung Quốc có 6 tàu, Hoa Kỳ có 3 tàu, Thái Lan có 1 tàu, Singapore có 3 tàu. Về số lượng máy bay tìm kiếm gồm 22 máy bay, trong đó Việt Nam có 8 máy bay, Malaysia có 4 máy bay, Trung Quốc có 4 máy bay, Hoa Kỳ có 4 máy bay, Singapore có 2 máy bay.
Cán bộ trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đang phân tích những thông tin liên quan trên bản đồ tìm kiếm. |
10h: Theo tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hôm nay (12/3), tàu Hải quân HQ888 của Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn tiếp tục tìm kiếm. Được biết, đây là tàu khảo sát thăm dò màu 3D là hiện đại nhất Đông Nam Á.
9h30: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, về thông tin tìm thấy dấu hiệu máy bay mất tích ở phía eo biển Malacca, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia liên hệ với tùy viên quốc phòng Malaysia tại Hà Nội và được biết, thông tin này không phải từ phía Malaysia đưa ra.
Trung tướng Võ Văn Tuấn trả lời báo chí sáng 12/3. |
Cũng trong sáng nay, tùy viên cảnh sát của Đại sứ quán Pháp đã tới Việt Nam và có cuộc trao đổi trực tiếp với Trung tướng Võ Văn Tuấn. Ngài tùy viên cảnh sát Pháp nói rằng, họ có 4 công dân trên chuyến bay bị mất tích nên bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến số phận của những công dân đó.
Phía Việt Nam cũng có sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với sự lo lắng của nước bạn, bởi ngay như Việt Nam không phải là chủ sở hữu của máy bay đó, cũng không có công dân nào của Việt Nam trên chuyến bay MH370 nhưng Việt Nam vẫn rất quan tâm đến vấn đề tìm kiếm và cứu hộ cho chiếc Boeing 777 vừa mất tích.
Trong khi đó, đêm ngày 11/3, Tư lệnh không quân hoàng gia Malaysia (RMAF), Tướng Tan Sri Rodzali Daud cũng lên tiếng phủ nhận việc ông nói rằng radar quân sự dò được tín hiệu máy bay mất tích quay lại và bay về phía eo biển Malacca.
Malaysia bác tin dò được tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca. |
9h: Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho hay, trong ngày hôm nay (12/3), Việt Nam vẫn tiến hành các hoạt động tìm kiếm máy bay Boeing 777 mất tích. Kế hoạch tìm kiếm sẽ mở rộng về phía đông đường bay dự kiến và đất liền. Vì 5 ngày qua chưa thấy bất cứ một dấu hiệu nào của máy bay mất nên việc tìm kiếm cần phải được tăng cường.
Nhóm PV