+Aa-
    Zalo

    Việt Nam không thiếu vắc-xin phòng Covid-19 trong năm 2021

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ 3 nguồn cung cấp chính trong năm 2021.

    Theo Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ 3 nguồn cung cấp chính trong năm 2021.

    Lô vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sáng 24/2.

    Hơn 117.000 liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên đã về Việt Nam

    Sáng 24/2, chuyến bay mang những liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh), mang lại “vũ khí” mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam.

    Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. Việc tiêm vắc-xin sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác để cung cấp đầy đủ vắc-xin cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

    “Vắc-xin này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác tích cực của tất cả các cơ quan, bộ, ngành liên quan, AstraZeneca Việt Nam và VNVC đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với vắc-xin phòng Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

    Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam - cũng chia sẻ sự trân trọng, biết ơn chiến lược tiếp cận vắc-xin chủ động và sự tin tưởng của Chính phủ Việt Nam và bộ Y tế đã tạo điều kiện cho lô vắc-xin có thể sớm có mặt tại Việt Nam. Theo hướng dẫn, những liều vắc-xin đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho bộ Y tế/VNVC để bắt đầu công tác tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên.

    Vắc-xin đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc-xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc-xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

    Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin Covid-19 Vaccine Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vắc-xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỉ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

    Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2 - 8 độ C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc- xin cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin trong cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19 (COVAX).

    Tránh lừa đảo trong cung ứng vắc-xin

    Tại buổi họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định việc thiếu hụt vắc-xin phòng Covid-19 sẽ không xảy ra trong năm 2021. Bộ Y tế cùng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đang chuẩn bị cho kịch bản tiêm bao phủ vắc-xin, đẩy nhanh tốc độ mở cửa nền kinh tế.

    "Theo lộ trình tính toán, chúng tôi xin bảo đảm không thiếu vắc-xin trong năm 2021. Kịch bản tiêm lần này sẽ huy động tất cả đơn vị trong, ngoài ngành y tế như quân đội, công an, các lực lượng khác tham gia", Bộ trưởng bộ Y tế khẳng định.

    Theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ có 3 nguồn cung cấp vắc-xin với tổng số 90 triệu liều. Trong đó, nguồn của hãng COVAX là 30 triệu liều. "Những yêu cầu của COVAX chúng ta đã và đang đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện theo quy trình rút gọn để ký một yêu cầu về bồi thường theo quy định quốc tế", Bộ trưởng Y tế đề xuất.

    Nguồn vắc-xin thứ hai đến từ hãng AstraZeneca với 30 triệu liều. Bộ Y tế nhấn mạnh trong tình trạng đặc biệt khẩn cấp, Bộ sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng những cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ với nguồn cung này.

    Ngoài ra, bộ Y tế đang thực hiện đàm phán thêm 30 triệu liều vắc-xin của hãng Pfizer. Tuy nhiên, nguồn vắc-xin thứ ba đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về bảo quản và quy trình sử dụng. Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục đàm phán và huy động nguồn xã hội hóa để đảm bảo vấn đề chuyên môn, năng lực tài chính nhằm tiếp cận nguồn vắc-xin này.

    "Như vậy, chúng ta sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Chúng tôi cũng kiểm tra những thông tin về nguồn vắc-xin của Nga và một số quốc gia khác", ông Nguyễn Thanh Long thông tin.

    Ông Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo huy động toàn bộ xã hội tham gia cung ứng vắc-xin phòng Covid-19, tăng độ bao phủ vắc-xin thông qua xã hội hóa. Tuy nhiên, các công ty, doanh nghiệp cần lưu ý hiện tượng lừa đảo, tránh mua qua các đơn vị trung gian.

    11 nhóm đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc-xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam:

    1.Nhân viên y tế

    2. Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)

    3. Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh

    4. Lực lượng quân đội

    5. Lực lượng công an

    6. Giáo viên

    7. Người trên 65 tuổi

    8. Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...

    9. Người mắc các bệnh mạn tính

    10. Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

    11. Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

    Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5(33)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-khong-thieu-vac-xin-phong-covid-19-trong-nam-2021-a357459.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan