Chỉ số IQ là viết tắt của cụm từ "Intelligent Quotient" mang nghĩa là chỉ số thông minh của một người. Chỉ số IQ được dùng để đánh giá khả năng nhạy bén, xử lý tình huống, phản biện của con người. Người có chỉ số IQ càng cao thì càng có phản xạ nhanh nhạy, phân tích thông tin tối ưu. Đối với những đứa trẻ, chỉ số IQ có thể điều chỉnh trong quá trình trưởng thành.
Theo Wiqtcom, trong số 109 quốc gia tham gia bảng xếp hạng, 10 vị trí đầu tiên nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Theo đó, theo danh sách Top 10 quốc gia có chỉ số IQ trung bình cao nhất thế giới, vùng lãnh thổ giữ vị trí số 1 vào năm 2022 là Đài Loan (Trung Quốc) đã bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 3 với chỉ số 111,09, sau khi bị hai quốc gia là Nhật Bản và Hungary vượt mặt với chỉ số IQ trung bình lần lượt là 112,33 và 111,12.
Theo Wiqtcom, các vị trí thứ 4 đến thứ 10 lần lượt là các quốc gia là Hàn Quốc (110.84), Ý (110.67), Serbia (110.28), Iran (110.15), Hồng Kông (110.14), Phần Lan (109.28) và Việt Nam (108.44).
So với bảng xếp hạng chỉ số IQ trung bình được Wiqtcom công bố vào năm ngoái, các quốc gia trong top 10 đều không thay đổi mà chỉ có sự dịch chuyển nhẹ về vị trí. Đáng chú ý, chỉ số IQ trung bình của Việt Nam có phần giảm nhẹ so với năm 2022, khiến Việt Nam tụt 1 bậc từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 10. Tuy nhiên, với việc sở hữu 6/10 vị trí trên bảng xếp hạng, châu Á vẫn là khu vực sở hữu chỉ số IQ trung bình khá cao trên thế giới.
Bên cạnh đó, Wiqtcom cũng nhấn mạnh, đây là chỉ kết quả mang tính chất tham khảo vì chỉ dựa vào thống kê đơn thuần nên kết quả có thể không phản ánh đúng chỉ số IQ trung bình thực sự của một quốc gia bởi không phải người dân nước nào cũng làm bài kiểm tra IQ này.
Thùy Dung(T/h)