Đại diện Việt Nam nhận quyền đăng cai ASIAD 18. |
Việt Nam vẫn chưa chắn chắn sẽ đăng cai ASIAD 18. |
Quan điểm trái chiều về đăng cai ASIAD 18 Những lập luận của người ủng hộ: ASIAD 18 không chỉ khẳng định vị thế chính trị, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, nó còn là cơ hội hết sức quý giá để quảng bá hình ảnh đất nước; thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các địa phương góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, đất nước, nhân dân được hưởng thụ một sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất châu lục và những giá trị của các công trình phúc lợi về TDTT, nâng cao sức khỏe và giải trí lành mạnh, hạn chế tiêu cực xã hội… Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Đoàn Thao khẳng định: “Nếu bỏ qua cơ hội này thì không biết bao giờ Việt Nam mới có cơ hội! Sự kiện này đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, không chỉ riêng về chính trị, kinh tế mà còn trên lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đó là niềm tự hào và vinh dự của mọi người Việt Nam!”. Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ: “Trong thời điểm này xuất hiện sự băn khoăn là điều dễ hiểu và chính đáng. Tuy nhiên, những băn khoăn đó chúng ta hoàn toàn có thể xử lý và khắc phục được. Bởi vì, kinh phí bỏ ra ban đầu không mất đi, toàn bộ cơ sở hạ tầng vẫn là của chúng ta...”. Được biết, các công trình sắp được xây mới gồm: 10 SVĐ, 2 cụm bể bơi, 4 trường bắn súng, bắn cung, 25 NTĐ đã có, 3 NTĐ đang xây dựng, 3-4 công trình thi đấu dự kiến xây dựng thêm, 7 sân thi đấu lần xây mới, 1 làng VĐV ASIAD (dự kiến xây dựng tại Gia Lâm, Hà Nội theo phương án xã hội hóa). Những ý kiến băn khoăn, phản bác: Việt Nam đăng cai ASIAD 18 trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang suy thoái như hiện nay, ngân sách chi cho việc tổ chức giải đấu là 150 triệu đô la Mỹ thì quá eo hẹp. Mà với chỉ nguồn kinh phí này thôi, người ta cũng đã lo BTC sẽ lấy được từ đâu và sẽ sử dụng nó ra sao? Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây của chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” trên Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đưa ra những ý kiến hồi đáp khá cụ thể về vấn đề đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, một số chuyên gia, trong đó có cả những người đã và đang giữ những trọng trách trong ngành thể thao lại chưa hoàn toàn đồng tình với lời giải đáp đó. Họ cho rằng, trong tình hình kinh tế suy thoái chung như hiện nay, điều gì sẽ xảy ra trong 7 năm tới? Liệu lúc đó 150 triệu đô la có còn giá trị như hiện nay, hay là bằng 400 – 500 triệu? Những bài học về việc tổ chức các sự kiện thể thao hàng đầu thế giới của một số nước rất đáng để chúng ta quan tâm rút kinh nghiệm. Điển hình là việc nền kinh tế của Hy Lạp đã suy sụp ra sao, nợ nần chồng chất như thế nào sau khi quốc gia này tổ chức EURO và Olympic 2004!? Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu lên tiếng: “Cách đây 2 năm, khi Việt Nam tiếp nhận quyền đăng cai ASIAD 18, cá nhân tôi với tư cách là một lãnh đạo cũ của ngành TDTT đã phát biểu trên báo, đại ý không nên đăng cai kỳ Á vận hội này vì kinh phí tổ chức sự kiện tầm cỡ châu lục như vậy vượt quá sự chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau 2 năm, tôi vẫn bảo lưu ý kiến đó! Chúng ta không phản đối việc đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, TDTT tầm cỡ quốc tế vì đấy là cơ hội nâng cao tầm vóc, uy tín và vị thế đất nước nhưng như đã nói, phải hợp thời điểm và được người dân cả nước chấp thuận…”. Vấn đề “hậu Đại hội” cũng được nhiều người quan tâm. Đã có quá nhiều lời phàn nàn về chất lượng một số công trình được xây dựng phục vụ cho SEA Games 22, sự yếu kém trong việc quản lý, bảo quản và đưa vào sử dụng chúng cho những mục đích dân sinh. Một số dự án xây dựng phục vụ cho Đại hội gần như sẽ không còn tác dụng sau sự kiện, điển hình là nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo, một môn mà ngay cả VĐV thành tích cao chúng ta vẫn chưa có, nói chi đến việc người dân tham gia tập luyện. |