+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đăng cai Asiad 18: Còn đó những câu hỏi hóc búa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nhiều chuyên gia lo ngại rằng đó là công việc quá sức, bởi khoản kinh phí khổng lồ. Trong quá khứ từng có quốc gia xin nộp phạt thay vì tổ chức Asiad.

    (ĐSPL) - Có không ít ý kiến cho rằng Asiad 18 là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh nước nhà với bạn bè châu lục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng đó là công việc quá sức, bởi khoản kinh phí khổng lồ. Trong quá khứ từng có quốc gia xin nộp phạt thay vì tổ chức.
    Siêu tiết kiệm hay siêu tưởng?
    Để chuẩn bị cho công tác đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18, Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ 3 đề án: Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Asiad 18 tại Việt Nam, đề án đào tạo vận động viên tham dự Asiad 18 và đề án thí điểm đặt cược thể thao. Bộ VH-TT&DL cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống cơ sở vật chất TDTT để xác định các địa điểm tổ chức thi đấu và dự kiến phương án đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình; khảo sát, đánh giá hiện trạng lực lượng vận động viên (VĐV); tiếp xúc và làm việc với một số tổ chức thể thao quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm khả năng hợp tác trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo VĐV và học tập kinh nghiệm chuẩn bị tổ chức đại hội... 
    Xung quanh việc Việt Nam quyết định đăng cai Asiad 18:
    Sân đua xe đạp lòng chảo có kinh phí dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
    Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu đăng cai, nước ta vẫn phải xây thêm một số công trình khác gồm: Một nhà thi đấu đa năng 7.000 chỗ ngồi; trường bắn súng và bắn đĩa bay; 13 sân quần vợt, một sân thi đấu bóng bầu dục, một sân thi đấu hockey trên cỏ; sân thi đấu đua ngựa và năm môn thể thao phối hợp; một sân đua xe đạp lòng chảo và làng VĐV.
    Đưa ra mức kinh phí cho việc tổ chức Asiad 18 vào năm 2019, đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết sẽ rất căn cơ, tiết kiệm. Số kinh phí dự trù vào khoảng 150 triệu USD. Đó quả thực là con số "siêu tiết kiệm" nếu làm phép so sánh với các nước đã từng tổ chức sự kiện này. Trong lịch sử tổ chức Asiad, hầu như chưa nước nào phải bỏ ra số tiền đúng như dự kiến ban đầu mà thường bị đội lên từ ba đến năm lần. Minh chứng là việc Qatar phải chi 2,8 tỷ USD cho Asiad 2006. Năm 2010, Quảng Châu (Trung Quốc) riêng phần chi xây dựng làng VĐV là 2,45 tỷ USD và tổng kinh phí Trung Quốc phải bỏ ra là gần 20 tỷ USD. Đến 2014, Hàn Quốc cũng dự tính chi 1,62 tỷ USD cho kỳ đại hội TDTT lớn nhất châu lục. Không nói đâu xa, tình trạng đội giá cũng đã xảy ra ngay đối với nước ta khi tổ chức Sea Games 2003, Indoor Games 2009. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, con số 150 triệu USD chi cho tổ chức Asiad 18 là không thực tế.
    Quốc hội nên vào cuộc giám sát
    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề trên, TS. Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với quan điểm nói trên: "Tổ chức Asiad là một sự kiện lớn, thể hiện tiềm lực quốc gia, thể hiện sự vươn lên của cả một đất nước. Tổ chức đại hội thể thao lớn như vậy thì phải thành công. Thành công ở đây không chỉ về mặt uy thế, tiếng vang mà còn về cả về kinh tế. Thế nhưng theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, con số 150 triệu USD là không đầy đủ và "không tưởng". Ông Tuấn Anh mới trình bày một mảng nhỏ của kinh phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính thì trình bày một mảng rộng hơn, nhưng cũng chưa phải là đầy đủ. Lại không có ý kiến thẩm định độc lập. Và, đến giờ này chưa có căn cứ nào để nói rằng đâu là con số chính xác, vậy chúng ta tin vào đâu?".
    Trong khi đó Ths. Lê Thanh Tùng, Ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng Quốc hội nên có sự giám sát nghiêm ngặt: Việc có từ bỏ quyền đăng cai Asiad 18 hay không, chúng ta nên cân nhắc kỹ chứ không thể làm theo cảm tính và phán đoán. Khi có nhiều ý kiến trái chiều như hiện nay, Chính phủ nên đánh giá toàn diện để có được các thông tin chính xác nhất. Ngoài ra, theo tôi, không phải việc gì Quốc hội cũng đưa vào chương trình giám sát, nhưng việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn như Asiad 18 diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến trái chiều như hiện nay thì Quốc hội nên giám sát.
    Đòn cân não về những khoản kinh phí khổng lồ
    "Tôi đề nghị, tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới cần đặt vấn đề này ra, chất vấn và quy trách nhiệm. Ông Bộ trưởng trình ra như vậy thì trách nhiệm cá nhân của ông ấy thế nào? Thời gian chuẩn bị cho Asiad còn năm năm nữa. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian dài. Trước đây, chúng ta chuẩn bị cho Sea Games cũng mất 10 năm rồi. Tôi được biết, đến thời điểm này, mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang. Mới đây, các đại biểu Quốc hội mới chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh về vấn đề Asiad. Qua đó có thể thấy, còn quá nhiều thứ phải lo", TS Doanh nhấn mạnh.
    Có cái nhìn xa hơn về khoảng thời gian hậu Asiad, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội lo lắng về tình trạng hoang phí các công trình sau đó. Ông chia sẻ: "Rất nhiều huyện của Hà Nội xây dựng nhà thi đấu hoành tráng có mái che, nhưng cuối cùng bỏ không. Tôi nghĩ, đừng vì số tiền quá lớn để "mua" được danh hiệu mà tổ chức như thế. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề nâng cấp các cơ sở hiện có thay vì xây dựng cái mới. Hậu quả, sau khi có sự kiện này thì sẽ như thế nào. Bài học từ các nước cho thấy là nhiều cơ sở vật chất rơi vào lãng phí. Nhiều công trình của Trung Quốc sau khi tổ chức Olympic không hoạt động, trở thành những tồn tại, những lãng phí".
    Cũng theo vị này, với dự án sân đua xe đạp lòng chảo hơn 10.000 tỷ đồng, về mặt tài chính là không khả thi (đầu tư và thu lại qua cá cược). Về mặt luật pháp, nhà đầu tư khai thác sân đua và kinh doanh cá cược, nhưng đòi hỏi được ưu đãi mức thuế cao nhất. Vấn đề này nằm ngoài pháp luật Việt Nam. Đó là chưa kể ở nước ta, chúng ta thậm chí còn chưa có VĐV môn này, thì liệu sau này có nhiều người tập luyện môn thể thao này hay lại để bỏ không.
    Bài học chua xót về tình trạng nợ nần, đội kinh phí và lãng phí các công trình TDTT sau các kỳ đại hội không còn là điều lạ lẫm. Đó là thực trạng không chỉ tại các nước có nền kinh tế kém dư giả, mà cả các nước có tiềm lực vững vàng cũng gặp phải. Với những băn khoăn ấy, liệu chúng ta tổ chức được một Asiad huyền thoại với mức kinh phí "căn cơ, siêu tiết kiệm" mà không lo đối mặt với các khoản nợ khổng lồ sau đó?
    "Không nên coi quyết định là sự đã rồi"
    Là một chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh không giấu nổi sự băn khoăn khi việc này đã được quyết định. Tuy nhiên ông vẫn lo lắng khi kế hoạch đưa ra lại là một bức tranh Asiad không rõ ràng và không khả thi. "Tôi rất mong phải có một cái nhìn đầy đủ, tính toán kỹ lưỡng và cần có hội đồng thẩm định riêng biệt về vấn đề này, cần xem xét lại. Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ, theo tôi nếu bỏ cũng là một quyết định đau xót, nhưng cũng cần xem xét lại một cách toàn diện. Chúng ta không nên coi quyết định đó là sự đã rồi, là khi chúng ta ngồi trên lưng hổ rồi thì cứ thế là chạy", vị này cho hay.
    Vị chuyên gia này bày tỏ băn khoăn về một khoản nợ trong tương lai sau khi tổ chức Asiad. "Tôi rất lo lắng rằng, tổ chức như vậy có hiệu quả hay chúng ta sẽ phải mang nợ. Chúng ta cần đánh giá kỹ xem năm 2019 Việt Nam đang đứng ở đâu. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp phải chịu những món nợ lớn sau khi tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Chẳng hạn như Hy Lạp, nước này đã rơi vào khủng hoảng đến tận bây giờ vẫn chưa thoát ra được".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-dang-cai-asiad-18-con-do-nhung-cau-hoi-hoc-bua-a27369.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan