(ĐSPL) – Việt Nam chưa kiện Trung Quốc không phải vì chúng ta chần chừ, mà vì việc xem xét để có thể khởi kiện 1 quốc gia rất khó khăn, phức tạp về mặt các thủ tục pháp lý.
TS Nguyễn Kim Ngân – Trưởng bộ môn Công pháp Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội đã khẳng định như vậy trước nhiều thắc mắc vì sao cho đến bây giờ, phía Việt Nam vẫn chưa khởi kiện Trung Quốc về những hành vi sai phạm mà họ gây ra.
Trong buổi Thông tin về tình hình biển Đông và một số cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển được Hội Luật gia Việt Nam tổ chức chiều 16/5, Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Pháp luật & Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao nhận định, Trung Quốc vẫn luôn khẳng định hành vi sai trái của họ là hoạt động kinh tế bình thường trong quần đảo Tây Sa thuộc chủ quyền của họ, và các tàu của Việt Nam đang gây nhiễu cho tàu thuyền Trung Quốc, họ đang cố chứng mình sự có mặt cũng như quyền của mình về việc thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Pháp luật & Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao. |
“Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ đã đấu tranh ngoại giao rất quyết liệt. Các mức đấu tranh ngoại giao tăng nhanh, từ khi sự việc xảy ra đến nay đã có hơn 10 cuộc giao thiệp giữa Việt Nam với các cấp của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng sẽ không cho rút giàn khoan trái phép khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vì vậy chúng ta phải tiếp tục tiến hành các biện pháp thích hợp để đấu tranh với các hành vi vi phạm của Trung Quốc ” - Ths. Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật & Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao cũng cho biết, với hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, trước hết Việt Nam cần khẳng định rằng chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cho cả công luận quốc tế thấy rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm DOC về việc cam kết không có hành động làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp ở biển Đông, vi phạm hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế về việc không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực... Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động hiện tại, cho rút giàn khoan và các tàu công vụ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
TS Nguyễn Kim Ngân – Trưởng bộ môn Công pháp Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội. |
Trước những thắc mắc cho rằng, vì sao hành động của Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm như thế mà phía Việt Nam vẫn chưa có động thái khởi kiện Trung Quốc, TS Nguyễn Kim Ngân – Trưởng bộ môn Công pháp Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, chúng ta chưa kiện Trung Quốc không phải vì chúng ta chần chừ, mà vì việc xem xét để có thể khởi kiện 1 quốc gia rất khó khăn, phức tạp về mặt các thủ tục pháp lý.
Ths. Hà Công Anh Bảo – Phó trưởng khoa Luật – Đại học Ngoại thương. |
Đồng tình với ý kiến của Ths. Nguyễn Kim Ngân, Ths. Hà Công Anh Bảo – Phó trưởng khoa Luật – Đại học Ngoại thương cũng cho rằng việc kiện một quốc gia ra cơ quan tài phán quốc tế là không hề đơn giản. Dẫn chứng từ vụ kiện của Philippines, Ths. Hà Công Anh Bảo nhận định: “Khi Philippines đưa vụ kiện của họ ra tòa, chắc chắn họ cũng đã rất lo đến chuyện liệu có thắng hay không. Tôi hiểu vì sao họ vẫn quyết định làm, đó là vì hành động đó dù sao vẫn sẽ có lợi cho họ khi tranh thủ kêu gọi được sự đồng tình của dư luận quốc tế”.