Là nước nông nghiệp nhưng gần đây Việt Nam đã chi nhiều tiền để nhập các loại rau củ quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. 9 tháng đầu năm, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số chi cho nhập rau, củ quả đã lên đến hơn 650 triệu USD và dự kiến, cả năm sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ USD.
Cụ thể, theo con số báo cáo được Tổng cục Hải quan công bố ngày hôm nay, trong nhóm các mặt hàng nhập khẩu cao và tăng trưởng mạnh 9 tháng đầu năm ghi nhận lượng nhập rau củ quả tăng vọt, trên 42% so với cùng kỳ, đạt gần 650 triệu USD. Tính ra mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 72 triệu USD (gần 1.600 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả.
Đáng chú ý, trong số các thị trường rau củ quả nhập khẩu, người Việt ngày càng ưa chuộng rau quả Thái Lan khi 9 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 289 triệu USD để nhập mặt hàng này từ xứ sở chùa Vàng. Tính ra mỗi tháng chi khoảng 32 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng) nhập rau củ quả Thái. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc và Campuchia với khoảng hơn 150 triệu USD.
Việt Nam ngày càng chi nhiều tiền để nhập những mặt hàng rau củ quả từ Thái Lan, Trung Quốc. |
Theo tính toán của Hiệp hội các nhà bán lẻ, trong báo cáo xu hướng dịch chuyển thị trường bán lẻ năm 2016, các chuyên gia cảnh báo xu hướng nhập khẩu các mặt hàng ngoại ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong đó có nhiều mặt hàng trong nước tự sản xuất được, nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng. Đây vừa là thị hiếu của người tiêu dùng thích mua và thưởng thức đồ ngoại, nhưng cũng cho thấy niềm tin vào các sản phẩm hàng Việt Nam đang bị thách thức. Hàng Việt đang bị cạnh tranh nhiều mặt, nhiều chiều từ cả số lượng, chất lượng và sự nhận diện thương hiệu.
Với tốc độ nhập khẩu rau củ quả 9 tháng đầu năm 2016 tăng trên 42%, mỗi tháng chi hơn 72 triệu USD, khả năng con số nhập khẩu rau củ quả hết năm nay sẽ vào khoảng 1 tỷ USD.
Về phía xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, dù rau củ quả không phải là mặt hàng xuất khẩu chính, nhưng 9 tháng đầu năm mặt hàng này đã vươn lên trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, gia tăng mạnh chỉ đứng sau thủy sản và vượt qua cả xuất khẩu gạo, vốn là mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chính của Việt Nam
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/9, Việt Nam đã thu về 1,68 tỷ USD từ xuất khẩu rau củ quả, tăng hơn 31% so với cùng kỳ, mức tăng gần như mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, một mặt hàng xuất khẩu chiến lược nhiều năm, có thế mạnh là lúa gạo vẫn chỉ con số hơn 1,6 tỷ USD và giảm hơn 13% so với cùng kỳ.
Điều đáng lo ngại là xuất khẩu mặt hàng rau củ quả vẫn phụ thuộc chính vào một thị trường. Cụ thể theo Tổng cục Hải quan, xuất rau củ quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 9 tháng đầu năm, rau củ quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD (chiếm gần 80% kim ngạch), các thị trường khác như Nhật Bản chỉ đạt hơn 56 triệu USD, Hàn Quốc là 65 triệu USD và Hoa Kỳ là gần 60 triệu USD...
Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng bị thách thức. Hai thị trường tiêu dùng gạo lớn của Việt Nam là Indonesia 9 tháng đầu năm chỉ đạt 142 triệu USD, với hơn 360.000 tấn; Philipines cũng đạt hơn 143 triệu USD, với 337.800 tấn, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015 là 275 triệu USD.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới về phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, hướng đến chuyển đổi mô hình, tạo giá trị gia tăng có nhấn mạnh đến việc Việt Nam cần chuyển đổi chiến lược xuất khẩu gạo từ số lượng sang chất lượng. Thay thế quan niệm sản xuất nhiều vụ, thâm canh sang sản xuất chuyên canh để chất lượng gạo tốt hơn. Việc thay đổi chất lượng giống, phân bón và sử dụng công nghệ cao cần thiết cho Việt Nam trong cuộc canh tranh về chất lượng hạt gạo đối với các đối thủ mới nổi như Campuchia và Myanmar.