Có lẽ từ rất lâu rồi, dư luận mới có dịp chứng kiến một cuộc "cáo lão về quê" mà nức nở, nghẹn ngào tâm can người ở lại, nặng trĩu tâm tư người đi đến day dứt như vậy!
Ngày 01/10 vừa qua, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (HHTMTW), Giáo sư, bác sỹ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí chính thức nghỉ hưu trên cương vị Viện trưởng.
Lâu nay, lãnh đạo nghỉ hưu thường chỉ đơn thuần là sự tiếp nối, chuyển giao giữa các thế hệ trong công tác quản lý nói chung. Thế nhưng, cuộc chia tay của vị Viện trưởng già Nguyễn Anh Trí dường như lại mang đến một màu sắc khác. Và thứ màu sắc đó được dư luận nhận diện thông qua những hàng nước mắt ngắn dài, những cái ôm siết chặt, sự nức nở từ hàng trăm anh chị em đồng nghiệp tại cơ quan công tác và cả sự lưu luyến của các bệnh nhân...
14 năm tiếp quản vị trí Viện trưởng, ông đã cùng anh chị em đồng nghiệp vượt qua những năm tháng khó khăn để có được kết quả thành công như hiện tại: nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần; đưa kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu; thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ...
14 năm sau, trước khi nói lời tạm biệt, giáo sư vẫn khiến cho những người xung quanh ông ấn tượng mạnh mẽ với "bài giảng cuối cùng" đầy xúc động, nghẹn ngào; với những lời căn dặn, sẻ chia chân thành và tạo nên một buổi chia tay đầy dấu ấn, góp phần lan tỏa một trong những câu chuyện đẹp đẽ nhất.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã có buổi chia tay về hưu "ngập trong nước mắt", tạo nên câu chuyện xúc động và vô cùng đẹp đẽ. |
Và trong khi, thời gian qua, với không ít lãnh đạo, "hoàng hôn nhiệm kỳ" là thời điểm người ta phải tranh thủ hết tốc lực để ký cho được vài hồ sơ bổ nhiệm, phải lo lắng làm sao để "cho đầy túi thơm"; phải thu xếp mọi dữ liệu cho nó "chuẩn quy trình" để an toàn khi "cáo lão"... thì với vị Viện trưởng Nguyễn Anh Trí, ông lại lựa chọn một việc làm giản dị và cao đẹp: hiến máu nhân đạo.
Không chỉ là người khởi xướng các phong trào hiến máu, Giáo sư Trí cũng đã có 20 lần hiến máu tình nguyện. Và trước “tuổi hưu”, khi mà quy định Việt Nam người hơn 60 tuổi không được hiến máu, ông cũng đã kịp hiến máu thêm… một lần cuối cùng.
Theo như chính lời Giáo sư chia sẻ "ngày hôm nay là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi!". Thế nhưng, sẽ không chỉ là đáng nhớ duy nhất trong lòng ông, mà còn là thời khắc ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng tập thể, anh chị em, bạn bè đồng nghiệp và cả những độc giả quan tâm tới câu chuyện về hưu "không thường ngày như ở huyện" của ông.
"Người ở - người đi" đều nghẹn ngào trong giây phút nói lời tạm biệt |
Ông luôn nói đây là bài giảng cuối cùng, đây là lần hiến máu cuối cùng, buổi chào cờ cuối cùng tại Viện nhưng dường như... không phải vậy. Mà thực chất, đó lại chính là khởi nguồn cho những việc đẹp đẽ được tiếp nối - không chỉ trong nội bộ ngành Y.
Trong tâm thức của nhiều người, bác sỹ Nguyễn Anh Trí không chỉ là biểu trưng của trí tuệ, tâm huyết, tài năng đã góp phần quyết định trong sự phát triển của Viện HHTMTW; là người thầy đáng kính đối với bệnh nhân Thalassemia, là một "người cha" đối với bệnh nhân "Hemophilia", là người đem đến tương lai, thay đổi cuộc đời cho hàng ngàn người bệnh; là chủ nhân của 280 công trình khoa học, hàng chục đầu sách... mà còn là một nhân cách cao đẹp trong lòng bệnh nhân, đồng nghiệp.
Nhìn vào không khí của buổi chia tay về hưu đầy luyến lưu và nước mắt của những người ở lại, mới có thể thấu hiểu được phần nào những điều lớn lao mà ông mang đến cho họ!
Và đề diễn tả về cuộc chia tay “tuổi hưu” này thì một lời sợ rằng sẽ thừa, mà ngàn lời có thể là vẫn thiếu!
Vũ Đậu