Mấy ngày nay, dư luận lùm xùm về việc hiện ông Trịnh Xuân Thanh –nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đang ở đâu? Có dư luận cho rằng ông Thanh đã xuất cảnh ra nước ngoài. Nếu giả thiết này là đúng, vậy việc chưa cấm xuất cảnh đối với ông Thanh có đúng luật?
Với giả thiết được đặt ra là ông Trịnh Xuân Thanh đã xuất cảnh ra nước ngoài, nhiều người đặt câu hỏi liệu việc ông Thanh chưa bị cấm xuất cảnh trong thời điểm này có hợp lý?
Trả lời trên báo Tiền Phong, thiếu tướng Lê Xuân Viên – Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết, đến thời điểm đó (9.9), ông chưa nhận được thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Cụ thể hơn, Thiếu tướng Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an) – đơn vị trực tiếp phụ trách việc xuất nhập cảnh – cũng tái xác nhận lại điều này.
LS Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh). |
Đúng là theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền (cụ thể là Cục An ninh xuất cảnh, Bộ Công an) không thể ngăn cản được ông Thanh xuất cảnh. Bởi tính đến thời điểm đó, chưa có bất kỳ một quyết định, văn bản nào hạn chế quyền công dân đối với ông Trịnh Xuân Thanh như các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can…
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Vậy khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng nhà nước có quyền ra quyết định, văn bản áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh hoặc hạn chế xuất nhập cảnh trong một thời gian nào đó không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể!
Thẩm quyền này thuộc về Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án các cấp quyết định không cho xuất cảnh khi đang xác minh, làm rõ về những hành vi phạm tội hoàn toàn có quyền áp dụng biện pháp ngăn chăn này khi chỉ cần thấy đương sự có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt nam. Cụ thể, khoản 1, Điều 21 nghị định 136/2007 quy định rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”.
Có thể khẳng định ngay ông Trịnh Xuân Thanh là người đang “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Cần nhắc lại là riêng với vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải hai lần có chỉ đạo trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ những thông tin liên quan tới những hành vi có dấu hiệu sai phạm của ông Thanh.
Trong đó đáng chú ý là ngày 18.7, Tổng Bí thư đã chỉ đạo nhiều cơ quan như Ban Tổ chức T.Ư, Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc…
Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo Ban Thường vụ Đảng ủy Công an T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (dưới thời ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT- NV); chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định, rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Rõ ràng, nếu cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp ngăn chặn ông Thanh xuất cảnh dựa vào quy định trên của pháp luật thì bây giờ, nhiều cơ quan quản lý, trong đó có những cơ quan trực tiếp quản lý ông Thanh như Tỉnh ủy Hậu Giang - đã không phải đau đầu với câu hỏi “ông Thanh đang ở đâu” dù đã cất công cử người ra tận nhà riêng ông này ở ngoài Hà Nội để tìm kiếm.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Quy định pháp luật về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đã có đầy đủ, nhưng trên thực tế khi áp dụng với bị can, bị cáo của một vụ án cũng có nhiều bất cập. Có khá nhiều trường hợp đã trốn khỏi nơi cư trú, trốn ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch sau khi bị khởi tố (như trường hợp của Dương Chí Dũng trước đây) gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tố. Thậm chí có nhiều vụ án đi vào ngõ cụt buộc phải phát lệnh truy nã với những đối tượng cố tình lợi dụng chính sách pháp luật để đối phó, tránh việc phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như nghĩa vụ dân sự hay trách nhiệm của mình. Trong khi đó, để đảm bảo lệnh truy nã hay triệu tập có hiệu lực đối với những đối tượng đang ở nước ngoài, chúng ta lại phụ thuộc khá nhiều vào nước sở tại, vào các hiệp định tương trợ tư pháp, vào từng tình huống cụ thể mà có thể có cách các giải quyết khác nhau. |
LS Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh)
Nguồn: Dân Việt
Xem thêm video:
[mecloud]drKW0epaBb[/mecloud]